Vốn là bạn học của nhau và cùng nhau lên chiến khu tham gia kháng chiến chống Pháp nên cố nhạc sĩ Phạm Duy có khá nhiều kỷ niệm với nhà thơ Quang Dũng, tác giả bài thơ nổi tiếng “Đôi mắt người Sơn Tây”.

    Nhà thơ Quang Dũng
    Nhà thơ Quang Dũng. Hình: A.T

    Theo tự sự của nhạc sĩ Phạm Duy, giữa ông với nhà thơ Quang Dũng có nhiều điểm giống nhau: đều có một mối tình vũ nữ rất đậm đà, mãnh liệt. Và cũng như ông, khi còn rất trẻ, Quang Dũng đã bỏ nhà đi theo một gánh hát với tư cách nhạc công chơi đàn cò. 

    Quang Dũng không học trường mỹ thuật như Phạm Duy nhưng cũng thích vẽ và có một thời gian sống bằng nghề họa sĩ, dùng cái bút lông để được “lê gót giang hồ”.

    Mối tình vũ nữ mà nhạc sĩ Phạm Duy nói đến là chuyện tình giữa Quang Dũng với cô hàng cà phê có tên là Nhật Akimi, cũng là nguồn cảm hứng để thi sĩ sáng tác nên bài thơ “Đôi bờ” với những câu chập chùng thương nhớ :

    Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai

    Sông kia từng lớp lớp mưa dài

    Mắt kia em có sầu cô quạnh

    Khi gió heo về một sớm mai

    Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy cho biết, khi ông đang viết về Quang Dũng thì được tin nhà thơ vừa từ giã cõi đời sau nhiều năm bị liệt một cánh tay và nói năng không rõ vì bị đứt mạch máu ở trong đầu. 

    Nhạc sĩ cho biết thêm, người đẹp Akimi hiện đang định cư tại Hoa Kỳ. Ông đã gọi điện cho nàng với ước mong: “Có dịp gặp con người có vầng trán mang trời quê hương và đôi mắt dìu dịu buồn Tây phương, đã từng là nguồn cảm hứng cho những bài thơ bất hủ của Quang Dũng…”.

    Nhà thơ Quang Dũng
    Nhà thơ Quang Dũng thời “Tây tiến” do họa sĩ Bùi Quang Ngọc vẽ và lúc xế chiều… Hình: A.T.

    Ở phần cuối hồi ký viết về bạn thi sĩ của mình, Phạm Duy viết bằng một giọng văn rất điềm tĩnh, nhưng người đọc có cảm giác, hình như có những giọt nước mắt đang tan chảy vào ngôn ngữ của ông: “Quang Dũng đã nằm xuống trên mảnh đất quê hương. Tôi mong rằng, không xa cánh đồng Bương Cấn của anh là mấy. Thôi nhé, xin anh ngủ yên trong giấc mộng thiên thu để cho chúng tôi tiếp tục buồn hộ anh nỗi buồn viễn xứ khôn nguôi…”.

    Theo Hồ Ngọc Diệp

    Nguồn: Di Động Việt Nam