Luật sư kiêm kế toán 9x Thuận Hồ, người nhạc sĩ mang trong mình nỗi nhớ cha, xót xa nhớ mẹ, và cả tình yêu mãnh liệt dành cho "linh hồn" âm nhạc xưa.

    Mới đây, ca khúc "Xót xa nhớ mẹ" do NSƯT Lam Tuyền thể hiện đã chạm đến trái tim nhiều khán giả, đặc biệt là những người từng trải qua nỗi đau mất mát. Với Thuận Hồ, đây không chỉ là một sáng tác mà còn là tiếng lòng anh gửi gắm đến người anh vừa mất mẹ trong nỗi đau âm ĩ.

    Nhạc sĩ 9x Thuận Hồ.

    "Xót xa nhớ mẹ": Nỗi niềm chạm đến trái tim

    Trong phòng thu hiện đại của HGT Media, khi NSƯT Lam Tuyền cất lên những câu hát da diết của ca khúc Xót xa nhớ mẹ, nhạc sĩ Thuận Hồ đã không kìm được cảm xúc. Anh chia sẻ "Cảm giác như nức nghẹn qua từng ca từ giai điệu, tiếng hát rất ngọt của NSƯT Lam Tuyền gợi nhớ cho em về hình bóng người mẹ thật gần gũi, thân thương mà trong chúng ta ai ai cũng có."

    "Xót xa nhớ mẹ" thực chất là một bài thơ của nhà báo Diệp Y, được anh Tùng Linh giới thiệu. Thuận Hồ xúc động: "Ngay từ dòng thơ, tôi thấy rất đời, lại có quá nhiều cảm xúc của một người vừa mất mẹ. Tôi từng mất cha nên cảm rất nhanh và chỉ trong hai ngày, tôi đã chọn được một giai điệu khá ngọt ngào cho lời thơ sâu sắc."

     

    Ca khúc nhanh chóng nhận được sự đồng cảm từ người nghe và giới chuyên môn. NSƯT Lam Tuyền nhận xét: "Giai điệu ngọt ngào, nhiều cảm xúc. Một người trẻ mà viết lời sâu sắc, nhân văn vậy, tôi tin cậu ấy sẽ còn đi xa."

    MV ca khúc Xót Xa Nhớ Mẹ

    Tình yêu với nhạc xưa của Thuận Hồ được nuôi dưỡng từ những năm tháng thơ ấu nghèo khó. Anh kể: "Nhà tôi khi ấy nghèo lắm, chỉ có chiếc cassette cũ. Ba mẹ thường mở nhạc Trần Thiện Thanh, Lam Phương, Duy Khánh... Mỗi chiều mưa Sài Gòn, tiếng nhạc bềnh bồng, dai dẳng, chảy vào tai tôi như dòng nước mát. Dần dần, nó thành ký ức, thành máu thịt."

    Năm 10 tuổi, ba anh, người thầy đầu tiên, đã dạy anh những hợp âm guitar. Từ đó, Thuận Hồ miệt mài chép nhạc, gõ nhịp trên cây đàn gỗ cũ. "Ba là người dẫn tôi vào thế giới âm nhạc. Mãi mãi tôi biết ơn ông," anh bộc bạch.

    Luật sư ban ngày, nhạc sĩ ban đêm

    Tốt nghiệp cử nhân Kế toán (ĐH Hutech) và cử nhân Luật Kinh tế (ĐH Mở TP.HCM), Thuận Hồ hiện đang làm kế toán kiêm pháp chế tại chi nhánh tập đoàn Sumitomo Việt Nam. Công việc đòi hỏi sự chính xác, quy chuẩn nghiêm ngặt. Tuy nhiên, anh khẳng định: "Ban ngày, tôi làm luật, số liệu. Ban đêm, tôi làm bạn với giai điệu. Hai thế giới khác nhau hoàn toàn nhưng bổ sung cho nhau. Âm nhạc giúp tôi giữ sự cân bằng, nuôi dưỡng cảm xúc để không biến thành ‘cỗ máy’ vô hồn."

    Anh thường về nhà bật đàn, viết vài câu nhạc để "giải độc" tinh thần sau những giờ làm việc căng thẳng. Trong căn phòng trọ nhỏ, chỉ còn tiếng guitar và giọng hát khẽ vang giữa đêm khuya.

    Thần tượng và những bài học "Thói đời"

    Khi được hỏi về thần tượng, Thuận Hồ không ngần ngại gọi tên nhạc sĩ Trúc Phương. "Tôi mê nhất bài Thói đời. Có người trẻ nghe thì cười, bảo sến, cũ. Nhưng tôi nghe như thấy bóng mình, thấy cuộc đời, thấy nỗi đau và cả sự tỉnh ngộ. Những bài như thế giúp tôi không sa ngã, luôn giữ chân thật", anh chia sẻ.

     

    Ngoài ra, nhạc sĩ Y Vũ là người thầy đã dạy anh nhạc lý bài bản. Riêng ca nhạc sĩ Tuấn Quang là "ngọn đèn soi lối" trên con đường sáng tác. Anh Tuấn Quang không chỉ chỉnh sửa từng câu nhạc mà còn động viên: ‘Em phải tin vào cảm xúc, dám đi con đường riêng’. "Chính anh ấy giúp tôi đủ tự tin phát hành các bài hát đầu tiên", Thuận Hồ bày tỏ lòng biết ơn.

    Dù tự nhận mình "còn nhỏ bé lắm" so với các nhạc sĩ chuyên nghiệp, nhưng danh sách ca khúc của Thuận Hồ ngày một dài ra: "Xót xa mất mẹ," "Thương nghệ sĩ nghèo," "Em xinh," "Em gái Tây Ninh," "Khúc ca Tết trao em," "Xe bus số 50," "Mồ côi cha," "Ngắm lục bình trôi," "Cô học trò và hoàng hôn"... Mỗi bài là một "đứa con", một kỷ niệm, một nỗi niềm riêng. Ca sĩ Tùng Linh, người từng hát "Em gái Tây Ninh", nhận xét: "Thuận Hồ rất thật. Nhạc của anh mộc mạc, không màu mè, nhưng càng nghe càng thấm. Cách anh giữ nhạc xưa giữa thời hiện đại đáng trân trọng."

    Giữ lửa nhạc xưa: Không vội vàng, không thị trường

    Trong thời đại công nghệ, nhiều người chọn đi theo nhạc thị trường, sản xuất nhanh, viral mạnh. Nhưng Thuận Hồ thì không. "Mỗi bài hát của tôi nếu thật lòng, sẽ có khán giả riêng. Tôi muốn họ nghe chậm, ngẫm, rồi thương, vậy là đủ vui rồi", anh khẳng định.

     

    Anh tiết lộ, có bài hát phải chỉnh sửa gần 10 lần, thậm chí muốn bỏ cuộc vì cảm thấy "không đủ hay". "Có bài tôi phải dừng cả tháng, để cảm xúc ‘chín’, rồi mới viết tiếp. Vì tôi quan niệm, ca khúc phải thật, phải đọng được điều gì đó, chứ không thể chỉ là giai điệu lướt qua tai."

    Khi làm việc với ca sĩ, anh tỉ mỉ chỉnh từng nhấn nhá, luyến láy để giữ đúng "linh hồn nhạc xưa". "Tôi không muốn ép ai hát y chang ý mình, nhưng tôi muốn mỗi câu hát đi ra phải đúng tinh thần bài hát, không bị ‘lai’ hiện đại quá."

    Hiện Thuận Hồ đang ấp ủ một album riêng, tập hợp các sáng tác bolero và slow, dự kiến ra mắt cuối năm nay. Anh cũng sẵn sàng hỗ trợ những ai muốn học sáng tác, cách viết lời và cách giữ hồn bài hát.

    Khi được hỏi: "Nếu một ngày buộc phải chọn giữa luật và âm nhạc, anh sẽ chọn gì?", Thuận Hồ trầm ngâm rồi trả lời: "Luật giúp tôi sống, âm nhạc giúp tôi tồn tại. Nhưng nếu phải chọn, tôi sẽ chọn âm nhạc. Vì nó là một phần máu thịt, không thể tách rời."

    Nắng chiều rọi xuống con hẻm nhỏ, bóng Thuận Hồ dài trên vỉa hè khi anh ôm đàn ra về. Câu nói cuối cùng của anh vẫn vang vọng: "Có thể khán giả không biết tôi, nhưng chỉ cần một người nghe, tôi vẫn viết, vẫn hát, vẫn giữ hồn nhạc xưa sống mãi."

    Hương Lữ