Đêm diễn chỉ thật sự “thành công” khi… đủ khán giả ngồi kín ghế, đủ tiền chi phí không lỗ. Đó chính là “cuộc chơi bạc tỷ” mà chỉ những người trong nghề mới thấu.

 

“Tôi từng nghĩ mình có thể phá sản bất cứ lúc nào”

Bầu show Tố Loan chia sẻ: “Có đêm show tôi mời ba ca sĩ: Hồng. N, Dương T. V, N Y. Chi phí riêng tiền cát xê đã gần 30.000 USD. Quy đổi ra đô Canada, cộng với tiền thuê nhà hát, dàn âm thanh, ánh sáng, ban nhạc… tổng chi phí đội lên gần 70.000 CAD. Đó là chưa tính đến hàng loạt chi phí phát sinh”.

Khán giả ngồi dưới vỗ tay nhiệt tình, nhưng chị Loan thì run rẩy, mắt dõi khán phòng xem còn ghế trống nào. "Tôi từng nghĩ, nếu đêm nay khán giả không đến đủ, sáng mai tôi phải bán một thứ gì đó trong gia sản của mình. Nghĩ vậy mà vẫn phải đứng cười, tiếp khách, bắt tay ca sĩ, chụp ảnh hậu trường như không có gì xảy ra", chị kể, giọng run lên.

 

Những cú sốc sau ánh đèn

"Nhiều ca sĩ, nhất là các ngôi sao hạng A, yêu cầu những điều kiện tưởng chừng như “bình thường”: Phòng khách sạn sang trọng, xe đưa đón riêng, yêu cầu ăn ngon, uống đã đúng khẩu vị. Có lần, một ca sĩ nổi tiếng yêu cầu ở thêm một tuần để đi du lịch, dù chi phí ăn ở tăng lên gấp đôi, họ vẫn dửng dưng. Còn mình thì phải cắn răng trả", chị Loan kể trong uất ức.

Hậu trường show diễn, nhiều khi giống như chiến trường tâm lý. Ban nhạc trễ giờ, ca sĩ giận dỗi vì không đủ khán giả, khán giả phàn nàn vì ngồi xa, bầu show vừa phải dỗ dành nghệ sĩ, vừa lo bán nốt vé giờ chót.

Anh Long, một nhạc công sống lâu năm tại Canada chia sẻ: “Có show, tôi thấy chị Loan vừa đứng kiểm tra ánh sáng, vừa trả lời điện thoại khách hỏi vé, vừa ngấn lệ. Tôi thương lắm nhưng không dám an ủi vì chị ấy sợ... mình yếu lòng rồi gục ngay trên sân khấu”.

 

Khán giả cũng lắm “chiêu”

Không ít lần, chị Loan gặp những tình huống dở khóc dở cười. Có khán giả đặt bàn VIP cả ngàn đô CAD, sát ngày diễn lại trả vé với lý do: “Tôi đi đám cưới con cháu.” Lại có người mua vé rồi hẹn trả tiền khi đến rạp, nhưng đêm diễn thì… “bặt vô âm tín.”

Có lần tôi giao vé tận nhà, họ cảm ơn rối rít, nhưng hôm sau gọi đòi trả lại. Đau nhất là mình đã mất cơ hội bán cho khách khác”, chị nói. Còn cô Hạnh, một khán giả lớn tuổi thường xuyên đi xem nhạc, kể: “Tôi thấy bầu show cực hơn ca sĩ nhiều. Họ chạy khắp nơi, mồ hôi nhễ nhại mà vẫn phải cười. Ca sĩ chỉ lo hát, còn họ lo từ vé máy bay đến cơm nước, khách sạn, cả khán giả chúng tôi cũng do họ chăm sóc”.

 

Đồng nghiệp: “Bầu show hải ngoại, ai chưa khóc chưa phải bầu show thật”

Chị Loan, thẳng thắn: “Ở Mỹ hay Canada, không có chỗ cho bầu show non gan. Ai chưa từng khóc, chưa từng mất trắng vài trăm ngàn, chưa từng bị bạn bè quay lưng, chưa từng bị ca sĩ bỏ rơi phút chót… thì chưa phải bầu show thật sự.”

Tố Loan chia sẻ, nhiều người tổ chức show chỉ để giữ tiếng, giữ cái "sĩ diện" cộng đồng. Lỗ thì bán nhà, bán xe, vay mượn khắp nơi. Có người mất hết, rồi biến mất khỏi cộng đồng.

Cuộc chơi không dành cho kẻ yếu tim

Tất cả những câu chuyện đắng cay ấy đã khiến chị Loan quyết định dừng lại. Đêm cuối, khán giả vẫn hát cùng, vỗ tay cuồng nhiệt, có người còn nắm tay chị khóc. Nhưng chị biết, chính hôm đó, cái "nghiệp" nặng nề kia đã khép lại với chị.

"Tôi đã sống đủ với nghề. Đủ yêu, đủ hận, đủ tự hào, đủ tủi nhục", chị nói, ánh mắt ráo hoảnh, không còn giọt nước mắt nào để rơi. 

Bầu show Tố Loan vẫn giữ tấm vé show cuối trong đêm hạ màn như một kỷ vật của chặng đường sáu năm “đẫm máu và nước mắt.”

Dẫu phải trả giá đắt, chị Loan bảo mình không hối hận: "Tôi không giàu, nhưng tôi tự hào vì đã dám lao vào cuộc chơi, dám đứng dậy sau mỗi cú ngã. Nghề này, đôi khi phải trả giá bằng tuổi trẻ, bằng hạnh phúc riêng, và rất nhiều đêm không ngủ. Nhưng nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn yêu nó, dù chỉ một lần".

Đêm nay, sân khấu khép lại, ánh đèn vụt tắt. Nhưng câu chuyện về những bầu show như chị Loan, những con người mang khát khao cống hiến và cả niềm đau lặng lẽ, vẫn sẽ còn mãi.

Phạm Lữ