Tố Loan, một bầu show có tiếng ở Canada là minh chứng sống cho những cay đắng ấy. Sáu năm theo nghề, chị đã trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc, từ niềm hạnh phúc được đứng sau hậu trường nhìn khán giả vỡ òa, đến những đêm nằm khóc một mình vì thua lỗ, hụt hẫng.

 

“Nghiệp” bầu show bắt đầu từ… một đêm định mệnh

"Tôi ly hôn và sống độc thân suốt 13 năm", chị bắt đầu câu chuyện với giọng trầm đục, như đang nhấn từng ký ức đau đáu. "Rồi định mệnh đưa tôi đến gặp anh, người sau đó là bạn đời của tôi trong 6 năm trời) tại một đêm diễn ca nhạc ở Canada. Tôi chỉ đi xem show cho vui, không ngờ đó lại là khởi đầu của tất cả."

Từ một người phụ nữ nội trợ không biết gì về sân khấu, chị dần trở thành "cánh tay phải" của anh, người đàn ông đã lăn lộn với nghề bầu show từ những năm 90. Chỉ sau vài lần hướng dẫn, chị đã nắm vững tất cả: giữ tiền, trả cát-xê, liên hệ ban nhạc, lo hậu trường. Những con số, những cái tên ca sĩ từ ngôi sao đình đám đến nghệ sĩ mới nổi đều nằm trong lòng bàn tay chị.

 

Nhưng tình yêu sân khấu không hề lãng mạn như người ngoài tưởng tượng. "Tôi sớm nhận ra, ca sĩ đến hát, nhận tiền rồi đi. Không ai giữ liên lạc, không ai hỏi han. Sáu năm qua, tôi chưa từng thật sự quý mến ai. Và khi show kết thúc, mình cũng bị bỏ rơi", chị nói, ánh mắt xa xăm.

Những đêm khóc một mình

Show diễn cuối cùng của chị diễn ra vào cái ngày nhớ mãi: 15/3/2025, đánh dấu 33 năm hành nghề của bạn trai chị. Nhưng đó cũng là dấu chấm hết khi chị trút bỏ được cái nghiệp làm bầu show. Sân khấu hơn 600 ghế chỉ bán được phân nửa vé, phải chấp nhận hủy show, mất trắng gần 30.000 USD. Nếu chần chừ, con số có thể tăng lên 50.000 USD vì chi phí phát sinh.

 

"Mỗi lần nghĩ đến chuyện hủy show, tôi cảm giác như mất đi một phần máu thịt. Tôi từng muốn dừng từ hai năm trước, nhưng cái 'nghiệp' cứ kéo tôi lại, nó dính mình như cái nghiệp không tin cũng phải tin", Tố Loan nghẹn giọng cho biết.

Nhiều đêm, chị cười với khán giả, với ca sĩ, rồi lặng lẽ trở về, khóa cửa, khóc nấc đến sáng. “Nghề này bạc bẽo lắm. Nhưng tôi đã sống hết mình với nó, để giờ có thể kể lại như một phần ký ức vừa đắng vừa ngọt”, chị thổ lộ.

Những cú sốc bạc tỷ

Không phải ai cũng hiểu được sự khác biệt giữa bầu show ở Việt Nam và hải ngoại. Ở Việt Nam, hình như chỉ cần thuê sân khấu, mời ca sĩ, trả thù lao. Nhưng ở Canada, bầu show phải lo trọn gói: vé máy bay, khách sạn, ăn ở, bảo lãnh giấy tờ. Nếu ca sĩ trốn không về Việt Nam, bầu show chịu trách nhiệm trước sở di trú, có thể bị phạt đến 50.000 USD, thậm chí tước mất giấy phép hành nghề.

 

Có lần mời Đàm Vĩnh Hưng, riêng cát-xê 25.000 USD, và anh ấy chỉ đồng ý diễn nếu có ít nhất hai show. Tổng cộng, một lần mời anh Hưng có thể tốn hơn 50.000 USD”, chị kể. Mọi khoản chi trả đều bằng USD, nhưng vé lại bán bằng đô Canada, chênh lệch tỷ giá khiến mọi thứ càng thêm khó khăn.

"Ở hải ngoại, bán vé mới là ác mộng thật sự. Phải gọi từng khách, năn nỉ, bớt giá, giao tận nhà. Có người đặt bàn, tới giờ lại hủy, viện lý do đi đám cưới. Bao nhiêu công sức đổ sông đổ biển", chị thở dài.

Áp lực đến tận hơi thở cuối

Nhiều lần, chị phải chạy xe cả buổi chỉ để giao… một vé. Có khi ngồi chờ khách đến lấy vé suốt cả ruột, đến phút chót họ biến mất với lý do kẹt đi đám cưới, bận đi đón Má về nhà, thậm chí có người không để lại dấu vết. Giá trị của một tấm vé không chỉ ở số tiền, mà còn là danh dự, là niềm tin.

 

Từ chi phí thuê nhà hát (8.500 CAD/đêm), cọc trước (1.500 CAD), đến tiền phạt nếu hủy show (2.500 CAD), tất cả có thể biến mất chỉ trong vài ngày. Khi show sụp đổ, ca sĩ cũng không trả lại tiền cọc 15.000 USD biến mất, không một lời hỏi han, không một tin nhắn an ủi. “Họ về nước như chưa hề quen biết mình”, Tố Loan nói trong cay đắng!.

Cái giá của những tràng pháo tay

Nghề bầu show không chỉ cần vốn liếng, mà còn phải có “máu liều” và một trái tim… đủ lớn để chịu đau. Có người vì show mà bán nhà, bán xe. Có người trắng tay chỉ sau vài đêm nhạc. Với chị Tố Loan, sáu năm đủ để chị hiểu: Đây không chỉ là cuộc chơi bạc tỷ, mà còn là cuộc đánh cược với cả thanh xuân và nước mắt.

 

Giờ đây, nhìn lại những đêm diễn, chị bảo chỉ mong khán giả hiểu rằng sau mỗi tấm vé, mỗi tiếng vỗ tay, là một người bầu show đang nín lặng mồ hôi, lo lắng từng đồng, gồng gánh mọi rủi ro.

Có thể tôi không giàu, không nổi tiếng, nhưng tôi đã sống trọn với nghề. Và nếu phải trả giá bằng nước mắt, tôi vẫn chọn đi hết con đường ấy”, chị nói, giọng run run nhưng ánh mắt lại lấp lánh một niềm kiêu hãnh khó gọi thành tên.

Phạm Lữ