Nhắc đến nghề bầu show hải ngoại, người ta thường hình dung những buổi diễn hào nhoáng, những tên tuổi ca sĩ lớn, hàng ghế khán giả đông kín. Nhưng sau ánh đèn rực rỡ đó là chuỗi ngày ám ảnh bởi những con số, những “cú lỗ bạc tỷ” không cách nào lường trước.

 

Đằng sau tiếng vỗ tay: món nợ khổng lồ

Chị Tố Loan kể, riêng việc mời ba ca sĩ lớn, cộng chi phí sản xuất, quảng cáo, in ấn vé, thuê rạp… tổng ngân sách có thể lên tới 60 – 70 ngàn CAD cho một tour. Với khán giả, đó chỉ là “một đêm nhạc hay”, nhưng với bầu show, mỗi vé chưa bán được đồng nghĩa với một khoản nợ treo lơ lửng.

"Show nào cũng phải đặt cọc trước ít nhất 30% cát-xê, khoảng 10.000 – 15.000 USD cho mỗi ca sĩ. Nếu show hủy, tiền đó mất trắng, không hoàn lại. Việc mời sao hát cũng chỉ mong kiếm lời, nhưng cuối cùng… mất sạch", chị nói, giọng đứt quãng.

 

Có đêm, khán giả vẫn vỗ tay, vẫn hò hét gọi tên ca sĩ. Nhưng khi đèn tắt, chị Loan lặng lẽ ra xe, đếm từng xấp vé chưa bán, bàn tính tiền âm, lòng trống hoác.

Nhiều khán giả hải ngoại luôn mong có những show hoành tráng, ca sĩ xịn, sân khấu lung linh. Nhưng khi nhìn giá vé, họ lại chùn bước, nài nỉ giảm giá từng vé, lúc đó mình phải linh động theo từng trường hợp, chứ không thể nào cứng ngắt trong giải quyết. "Khán giả ở đây rất khôn, họ chờ, ép giá, có khi còn đòi thêm quà tặng, chụp hình riêng với ca sĩ"chị Loan kể.

Những “góc khuất” giữa bầu show và ca sĩ

Mối quan hệ giữa bầu show và ca sĩ tưởng chừng như gắn bó, nhưng thực tế lại đầy toan tính và nghiệt ngã.

"Có ca sĩ đến với tôi lúc ế show, ngọt ngào nhắn tin, thậm chí bảo: 'Chị thương em, cho em diễn dù cát xê thấp cũng được'. Nhưng khi nổi tiếng trở lại, họ làm lơ hoặc biến mất, không một lời hỏi han", chị Loan kể.

Đồng nghiệp: “Có bầu show vì yêu nghệ thuật, có người chỉ để... đánh bóng tên tuổi”.

 

Tố Loan tâm sự: "Có người làm show chỉ để giữ tiếng, giữ hình ảnh trong cộng đồng. Dù lỗ hàng chục ngàn USD mà vẫn tổ chức năm này qua năm khác, coi như cái giá để 'giữ sĩ diện'. Nhưng cũng có người làm vì đam mê, vì muốn khán giả hải ngoại được thưởng thức nghệ thuật chân chính".

Với chị Loan, mỗi show là một canh bạc. Cái giá không chỉ tính bằng tiền, mà còn bằng sức khỏe, danh dự, và những đêm không ngủ. "Tôi từng nghĩ có thể chết vì stress trước khi show bắt đầu. Có lúc mệt đến nỗi nằm bẹp, không nhấc nổi điện thoại", chị thú thật.

“Cái nghiệp” khó buông

Dù cay đắng, nhiều bầu show vẫn không dứt ra được. "Mỗi lần thấy khán giả đứng dậy vỗ tay, hát theo ca sĩ, tôi lại quên hết. Đó như liều thuốc gây nghiện. Nhưng tối về đếm từng đồng bạc lẻ, sếp từng xấp tiền rồi hai mẹ con cứ nhìn nhau tôi mà nghẹn lời. Sau tất cả, điều chị nhớ nhất không phải tên ca sĩ, không phải khán giả VIP, mà chính là những buổi tối chạy xe hàng trăm cây số chỉ để giao vài vé. Là những lần đứng trong bóng tối phía sau cánh gà, nhìn ca sĩ ôm hoa cảm ơn khán giả, còn mình lặng lẽ thu dọn ghế gãy, xếp rác, đếm từng hóa đơn mà chắc chắn khi tổng kết mình sẽ… lảnh nợ.

 

Với chị, nghề bầu show không chỉ là nghề, mà là một “nghiệp”. Một khi đã bước vào, người ta khó lòng quay đầu.

Tôi đã trả giá bằng máu, nước mắt và cả những đêm dài không ngủ. Nhưng nhìn lại, tôi không hối hận. Vì tôi đã sống, đã cháy hết mình cho những tràng pháo tay, dù cái giá đôi khi là… cả cuộc đời”, chị thì thầm, như lời chào vĩnh biệt sân khấu.

Và rồi, ánh đèn sân khấu sẽ lại bật lên ở đâu đó, với một bầu show mới, một canh bạc mới. Nhưng câu chuyện của chị Loan sẽ mãi nhắc nhở: Sau mỗi tràng pháo tay, có những giọt nước mắt thấm đẫm chẳng ai hay.

Phạm Lữ