Năm nay là năm thứ 17 Đêm nhạc Cổ điển Toyota được tổ chức tại Việt Nam bởi Công ty ô tô Toyota Châu Á Thái Bình Dương và Công ty ô tô Toyota Việt Nam phối hợp với Trung tâm Tổ Chức Biểu Diễn Nghệ thuật, Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn – Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch, đồng thời cũng đánh dấu một chặng đường 25 năm “Âm nhạc lay chuyển cuộc sống” trên toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

    Với niềm đam mê không ngừng đổi mới và khám phá, cùng mục tiêu đầy tính nhân văn “Âm nhạc lay chuyển cuộc sống”, trong suốt một phần tư thế kỷ, Đêm nhạc Cổ điển Toyota đã thực hiện 170 buổi hòa nhạc, thu hút gần 214,000 khán giả, thúc đẩy giao lưu giữa các nền văn hóa trên thế giới và quảng bá nhạc cổ điển đến với người yêu nhạc châu Á. Số tiền bán vé xấp xỉ 8,1 triệu đô la Mỹ đã được sử dụng cho các hoạt động từ thiện, góp phần cho sự phát triển văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường và an toàn giao thông của 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

    Kỷ niệm chặng đường 25 năm, Đêm nhạc Cổ điển Toyota 2014 hứa hẹn sẽ là một trải nghiệm âm nhạc hoàn hảo không thể nào quên bằng sự pha trộn tài tình giữa âm nhạc cổ điển tinh tuyền chuẩn mực và âm nhạc giao thoa mới lạ, với sự biểu diễn của Dàn nhạc giao hưởng Covent Garden Soloists danh tiếng tới từ Nhà hát Giao hưởng vũ kịch Hoàng gia London – Vương quốc Anh, nhạc trưởng bậc thầy người Tây Ban Nha, Miguel Angel Navarro, cặp song tấu ưu tú Pamela Tan Nicholson và Vasko Vassilev. Trong mỗi chương trình của dàn nhạc Giao hưởng Covent Garden Soloists, diễn xuất, thời trang, thậm chí cả công nghệ được sử dụng nhiều cách khác nhau, tạo thành một cuộc “phiêu lưu” kỳ thú, giúp khán giả và cả nghệ sĩ biểu diễn có thể khám phá những giới hạn mới của nghệ thuật, nơi truyền thống được kết hợp với sự sáng tạo tối đa. Lần đầu tiên Đêm nhạc Cổ điển Toyota lấy cảm hứng từ thế giới điện ảnh hào nhoáng, sôi động và đầy kịch tính.Những bản Concerto Nhạc phim do nữ nghệ sĩ/ nhạc sĩ tài ba Pamela chuyển thể, được hỗ trợ bởi hiệu ứng ánh sáng ấn tượng, sẽ dẫn dắt người nghe qua những cung bậc cảm xúc khác nhau, từ cảm giác ngọt ngào của tình yêu thăng hoa, những khoảnh khắc bùng nổ của đam mê, đến sự khiêu khích đầy quyến rũ của những bí ẩn còn chưa được khám phá.

    Đặc biệt, chương trình năm nay tại Việt Nam có sự góp mặt lần đầu tiên của một nghệ sĩ sáo Flute Việt Nam – tài năng trẻ Nguyễn Ly Hương – với bản Concerto cho Flute, giọng Sol trưởng của nhà soạn nhạc nổi tiếng W.A. Mozart. Nguyễn Ly Hương đã mang tiếng sáo đầy cảm xúc của mình làm mê hoặc biết bao khán thính giả nơi cô đặt chân tới, như Thái Lan, Nhật Bản, Đức… và một trong những giải thưởng danh giá cô nhận được là giải Nhất Cuộc thi Quốc tế cho các nghệ sĩ sáo được tổ chức tại Nam Ninh, Trung Quốc vào năm 2013.

    Toyota Classics 2014 press release
    Hình ảnh từ buổi họp báo giới thiệu chương trình hòa nhạc Toyota Classics 2014.

    Toyota hy vọng, đêm nhạc đánh dấu chặng đường 25 năm “Âm nhạc lay chuyển cuộc sống” sẽ thực sự là một “bữa tiệc âm nhạc” vượt ra khỏi những cảm xúc thông thường, đưa các giác quan nghệ thuật lên đỉnh thăng hoa.

    17 năm đến với Việt Nam, Đêm nhạc Cổ điển Toyota đã mang nhạc cổ điển đẳng cấp thế giới đến gần hơn với người yêu nhạc Việt Nam, đồng thời tạo cơ hội cho các tài năng Việt Nam được biểu diễn và học hỏi từ các nghệ sĩ và dàn nhạc xuất sắc nhất thế giới và trở thành một trong những sự kiện âm nhạc được mong đợi nhất trong năm. Toàn bộ số tiền thu được từ tiền bán vé đã được Toyota Việt Nam sử dụng cho các hoạt động thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của nước nhà, đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, được dành trọn cho quỹ “Học bổng Toyota Hỗ trợ Tài năng trẻ Âm nhạc Việt Nam”.

    Trong suốt 19 năm thành lập và phát triển, Công ty ô tô Toyota Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp không những cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam mà còn cho các lĩnh vực khác của xã hội. Toyota Việt Nam luôn giữ vững vị trí dẫn đầu trên thị trường ô tô với tổng doanh số bán kỷ lục tới 293.000 xe, đã đóng góp hơn 3,3 tỷ đô la Mỹ cho ngân sách Nhà nước và trên 18 triệu đô la Mỹ cho các hoạt động xã hội trong mọi lĩnh vực bao gồm: an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, giáo dục – đào tạo, văn hóa – xã hội và từ thiện.

    Giá vé: có 3 hạng
    Hạng A: VND 1,200,000/vé
    Hạng B: VND 1,000,000/vé
    Hạng C: VND 700,000/vé

    Vé được bán tại: Phòng vé Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh – số 7 Công trường Lam Sơn, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Điện thoại liên hệ: 09.8987.4517 hoặc (08) 6270.4450

    Toyota Classics 2014
    Cặp song tấu ưu tú Pamela Tan Nicholson và Vasko Vassilev.

    Chương trình biểu diễn “Đêm nhạc Cổ điển Toyota 2014”

    Dàn nhạc Giao hưởng Covent Garden Soloists

    Nhà hát giao hưởng vũ kịch Hoàng gia Luân Đôn- Vương Quốc Anh

    • Nhạc trưởng: Miguel Angel Navarro
    • Nghệ sỹ Violon: Vasko Vassilev
    • Nghệ sỹ Piano: Pamela Tan Nicholson
    • Nghệ sĩ sáo Flute: Nguyễn Ly Hương

    Những kẻ lừa đảo “siêu hạng: Concerto cho Piano và Violin cùng dàn nhạc (chuyển thể Pamela Tan Nicholson)

    Klaus Badelt, Hans Zimmer

    Chương Một của bản concerto lấy cảm hứng từ những kẻ lừa đảo siêu hạng đến từ đại dương – Những tên cướp biển vùng Caribbean (The Pirates of the Caribbean). Từ nguyên gốc viết cho dàn nhạc lớn của nhà soạn nhạc Klaus Badelt, dưới bàn tay tài năng của Hans Zimmer, tác phẩm được chỉnh sửa ít nhiều và trở thành một trong những giai điệu được biết đến nhiều nhất của bộ phim nổi tiếng này.

    Chương Hai ca ngợi hình tượng anh hùng của một Võ sỹ giác đấu (Gladiator) với những giai điệu ngọt ngào và mê đắm lòng người trong phần Intermezzo. Phần âm nhạc chuyển thể của bộ phim từng đoạt giải Oscar không làm mất đi sự hoành tráng nhưng không kém phần lãng mạn của tác phẩm gốc. Những phân đoạn đòi hỏi kỹ thuật hoàn hảo của các nhạc công solo cũng như của toàn dàn nhạc trong phần Coda mang lại một cái kết đầy hứng khởi cho bản concerto. Lấy cảm hứng từ hai điệu nhảy “jig” và “hornpipe” – vốn rất quen thuộc với cả cướp biển và thủy thủ trước đây, phần kết hứa hẹn sẽ khiến khán giả “rạo rực” và thực sự phấn khích.

    Toyota Classics 2014 3
    Nghệ sỹ sáo flute Việt Nam Nguyễn Ly Hương.

    Miền Tây hoang dã: Concerto cho Piano và Violin cùng Dàn nhạc (chuyển thể Pamela Tan Nicholson)

    Ennio Morricone, Elmer Bernstein

    Âm nhạc từ những bộ phim cao bồi Ý (thuật ngữ tiếng Anh là “Spaghetti Western” chỉ những bộ phim về đề tài Viễn Tây mang phong cách Ý) cũng khác biệt như chính những bộ phim này. Những giai điệu theo chân những chàng cao bồi và người da đỏ rong ruổi khắp các sa mạc rộng lớn trên màn ảnh rộng, có thể coi là những bản giao hưởng đầy chất thơ được viết với ngôn ngữ đương đại. Âm nhạc trong những bộ phim “Spaghetti Western” khắc họa một cách rõ nét và đầy sâu sắc phong cảnh trong phim, tính cách cũng như các cung điệu cảm xúc của từng nhân vật. Giống như trong opera, các bộ phim cao bồi Ý cũng có nhân vật nam gan góc, cực kỳ nam tính trong khi nhân vật nữ luôn xinh đẹp và vô cùng gợi cảm. Ví dụ điển hình nhất của trào lưu này là bộ ba phim Dollars, với sự tham gia của ngôi sao Clint Eastwood. Đây cũng chính là nguồn cảm hứng cho bản concerto hôm nay.

    Theo đúng trình tự một bộ phim cao bồi Ý điển hình, chương Một của bản concerto mở đầu bằng sự căng thẳng, đối đầu nảy lửa giữa những người đàn ông – một hình ảnh đến từ bộ phim Người tốt, Kẻ xấu và Tên vô lại (The Good, the Bad and the Ugly). Chương Hai lấy cảm hứng từ bộ phim Miền Tây ngày xưa ấy (Once Upon a Time in the West) lại mang một vẻ đẹp thong thả, có chút “lười biếng”, gợi nhớ đến phần intermezzo trong vở opera Cavelleria Rusticana của Mascagni. Những tiếng piano thánh thót vang lên giữa bóng đêm sâu thẳm khiến lòng người liên tưởng đến những vì sao lấp lánh trên một vùng đất tĩnh lặng nhất. Những âm thanh xa xăm của dàn nhạc giống như một đợt gió nhẹ, thơ thẩn ve vuốt màn đêm, trước khi giai điệu réo rắt của cây đàn violin vang lên, da diết như lời trách cứ của người thiếu nữ.

    Giống như một bộ phim viễn Tây, sự quay trở lại của các pha hành động là điều không thể thiếu. Người nghe có lẽ sẽ không thể cưỡng lại được sự phấn khích trong chương kế tiếp. Chương Ba mở đầu với phần solo của guitar và sau đó hòa quyện cùng những âm thanh tha thiết của violin. Âm nhạc đột nhiên trở nên kịch tính hơn với sự xuất hiện của dàn nhạc và cả giọng nói thể hiện những câu thoại trong bộ phim Thêm một vài đồng lẻ (For A Few Dollars More). Chương kết hoành tráng, gợi nhớ đến hình ảnh bảy tay cao bồi rong ruổi trên đồng cỏ ngút ngàn trong bộ phim Bảy tay súng oai hùng (The Magnficent Seven).

    Toyota Classics 2014 4
    Nghệ sỹ Piano Pamela Tan Nicholson

    Những câu chuyện tình yêu: Concerto cho Piano và Violin cùng dàn nhạc (chuyển thể Pamela Tan Nicholson)

    Francis Lai, Max Steiner

    Hai bộ phim điện ảnh, hai câu chuyện tình – nguồn cảm hứng cho bản concerto này – tình cờ lại có những điều trùng lặp. Cả hai đều là những bi kịch tình yêu với kết thúc là cái chết của nhân vật nữ chính. Và cả hai để lại hai trong số những câu thoại nổi tiếng nhất của lịch sử Hollywood.

    Chuyện tình (Love Story) – bộ phim ra đời từ năm 1970, đã lấy đi nước mắt của biết bao thế hệ khán giả với câu nói lay động lòng người “Yêu là không bao giờ phải nói lời xin lỗi” (Love means never having to say you’re sorry.) Còn câu nói “Thật lòng mà nói, em yêu, anh cóc quan tâm” (Frankly, my dear, I don’t give a damn) của nhân vật Rhett Butler lại là câu thoại đáng nhớ nhất đến từ bộ phim “Cuốn theo chiều gió” (Gone With the Wind). Một bên chứa đựng những yếu tố lịch sử, một bên bao gồm những tình tiết của một cuộc sống điển hình – nhưng cả hai bộ phim đều là những tác phẩm điện ảnh kinh điển. Nhạc nền của Chuyện tình và Cuốn theo chiều gió đều gây ấn tượng bởi chất lãng mạn đong đầy, xứng đáng được tôn vinh riêng biệt. Trong buổi hòa nhạc hôm nay, người nghe có cơ hội được thưởng thức lại những giai điệu tuyệt vời đó dưới hình thức một bản concerto biểu diễn bởi một dàn nhạc lớn.

    Trong ngôn ngữ âm nhạc của nhà soạn nhạc Francis Lai, tình yêu của tuổi trẻ trong sáng, bao dung nhưng cũng rất dữ dội và thật sâu sắc. Chương Một mở đầu với những giai điệu piano solo, tiếp nối bởi âm thanh ấm áp của cây đàn violin, không khỏi gợi nhớ đến những bản sonata dành cho piano và violin của Brahms hay César Franck. Dàn nhạc sau đó hòa quyện với các nghệ sỹ solo trong một xúc cảm thăng hoa, hệt như tình yêu nồng cháy giữa những con người trẻ tuổi. Chương nhạc mang một kết thúc buồn giống như bi kịch của hai nhân vật Oliver và Jenny trong chính bộ phim Chuyện tình.

    Chương Hai lấy cảm hứng từ những sáng tác của nhà soạn nhạc Max Steiner trong bộ phim Cuốn theo chiều gió. Thật khó có thể tưởng tượng rằng câu chuyện tình yêu trên mảnh đất phía Nam nước Mỹ của nhà văn Margaret Michell, dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Selznick lại thiếu được âm nhạc của Steiner. “Khúc nhạc của Tara” (Tara’s Theme) là một giai điệu có sức trường tồn vĩnh cửu. Cảm xúc của người nghe được đẩy tới đỉnh điểm khi những âm thanh da diết của violin solo, âm hưởng hoành tráng của dàn nhạc hòa quyện với giai điệu piano solo phấn khích đến mê hoặc trong cao trào của chương nhạc.

    Toyota Classics 2014 5
    Nghệ sỹ Violon Vasko Vassilev

    Concert cho Flute K 313 giọng Sol trưởng – Chương Một

    Wolfgang Amadeus Mozart

    Tháng Mười Hai năm 1977, Mozart nhận được lời đề nghị từ một nhà buôn giàu có người Hà Lan, đặt hàng ông sáng tác bốn bản tứ tấu và ba concerto “dễ chơi” cho flute. Như thường lệ, do hoàn cảnh thường xuyên túng thiếu, Mozart không ngần ngại nhận lời người khách hàng kiêm nghệ sỹ flute a-ma-tơ này. Tuy nhiên, bất ngờ xảy ra khi nhà soạn nhạc không kịp hoàn thành số lượng tác phẩm được giao đúng thời hạn. Ông chỉ sáng tác được ba bản tứ tấu và hai concerto; do đó đương nhiên, không nhận được toàn bộ tiền thù lao. Mặc dù luôn tự nhận rằng mình không có cảm tình với nhạc cụ flute nhưng không vì thế mà bản concerto K 313, giọng Sol trưởng này (bản đầu tiên trong số hai concerto Mozart hoàn thành năm đó) lại không phải là một tác phẩm xuất sắc. Lý do thật sự cho sự chậm trễ của Mozart là do ông mải “tán tỉnh” một cô ca sỹ trẻ, người sau này trở thành… em vợ của ông. Cho đến tận ngày hôm nay, đây vẫn được coi là một trong những concerto cho flute được ưa thích nhất. Nhẹ nhàng, đầy quyến rũ nhưng vẫn để cho người nghệ sỹ thể hiện được những kỹ thuật tuyệt vời cũng như khí chất duyên dáng của cây flute – đó là những gì người nghe nhận xét về bản concerto này.

    Adagio Sostenuto – Piu Animato – Tempo I từ Concerto số 2, giọng Đô thứ, Op. 18

    Sergei Rachmaninov

    Giống như Mozart, Rachmaninov tự biểu diễn các concerto của mình và Concerto số 2 cho piano đã được ra mắt những hai lần; cả hai lần đó, Rachmaninov đều là nghệ sỹ solo. Bản concerto này giúp khẳng định hơn nữa danh tiếng vững chãi của Rachmaninov trong vài trò một nhà soạn nhạc.

    Bản thân chương Hai cũng có thể coi là một concerto. Cả chương nhạc là một “cuộc dạo chơi” qua những phân đoạn nhanh chậm khác nhau, đòi hỏi những xúc cảm âm nhạc riêng biệt. Phần solo piano mang tính thử thách cao nổi bật trên phần nhạc đệm đầy mê hoặc của dàn nhạc. Bản concerto là một minh chứng rõ nét rằng Rachmaninov không chỉ là một nghệ sỹ piano vĩ đại mà còn là một nhà soạn nhạc tài ba. Là một nhạc sỹ thuộc trường phái âm nhạc lãng mạn, những tác phẩm của Rachmaninov thường hay xuất hiện trong các bộ phim tình cảm lãng mạn.

    Toyota Classics 2014 6
    Nhạc trưởng Miguel Angel Navarro

    “Meditaion” từ opera Thaiis: Phiên bản dành cho Violin và Piano

    Pamela Tan Nicholson

    “Suy ngẫm” (Meditation) là một khúc nhạc xuất hiện giữa hai cảnh trong vở opera Thaiis của Massenet. Nguyên gốc của tác phẩm được viết cho violin solo, dàn nhạc và hợp xướng. Giai điệu tuyệt đẹp của “Meditation” đã đưa nó vượt qua khuôn khổ của một vở opera, trở nên độc lập và thường được biểu diễn như một tác phẩm dành cho violin solo. Có rất nhiều phiên bản khác nhau của “Meditation.” Với biên đạo múa Frederic Ashton của Nhà hát Ballet Hoàng gia Anh quốc, tiết mục ballet cho cặp vũ công nam – nữ trên nền nhạc của Massenet đã trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Ngay tại buổi ra mắt lần đầu tiên, tiết mục đã nhận được nhiều sự tán thưởng của khán giả đến nỗi hai nghệ sỹ múa phải biểu diễn lại toàn bộ tiết mục ngay lúc đó. Là một concertmaster của Dàn nhạc Opera Hoàng gia Anh quốc, Vasko Vassilev đã cùng dàn nhạc nhiều lần biểu diễn những giai điệu của “Meditation” có hoặc không có sự tham gia của các vũ công ballet. Một phiên bản khác dành cho violin và piano cũng đã từng được trình diễn bởi Vassilev và sẽ xuất hiện trong buổi hoà nhạc đêm nay.

    Những bộ phim hành động: Concerto cho Piano và Violin cùng dàn nhạc (chuyển thể Pamela Tan Nicholson)

    Ennio Morricone, Nino Rota, Quincy Jones, Lalo Schifirn

    Concerto này lấy cảm hứng từ những bộ phim hành động – một thể loại phim đề cập đến những thách thức đầy tính “cơ bắp” cho cả anh hùng lẫn kẻ xấu trong phim. Phần nhạc phim thưởng đảm nhận nhiệm vụ kích thích phản ứng của khán giả trước những tình tiết đen tối của phim cũng như nước mắt và nỗi sợ hãi của bản thân khi xem phim.

    Chương Một mở đầu với những giai điệu đầy sức hút, do piano và violin song tấu từ “Chi Mai” – một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà soạn nhạc Ennio Morricone. Mười năm sau khi ra đời, năm 1981 “Chi Mai” mới được sử dụng làm nhạc nền cho Những kẻ chuyên nghiệp (Le Professionel) – một bộ phim hành động kinh dị nổi tiếng của Pháp có sự tham gia diễn xuất của ngôi sao Jean-Paul Belmondo. Những hợp âm rải nhắc đi nhắc lại của piano mở đầu một chương nhạc không phức tạp về cấu trúc nhưng lại nặng sức ám ảnh. Sự xuất hiện của dàn nhạc hòa tấu cùng piano và solo không vì thế làm mất đi nét huyền bí ẩn sâu trong từng nốt nhạc.

    Chương Hai mở đầu với phần pizzicato của piano solo và tiếp nối bởi những âm thanh mạnh mẽ của trumpet. Được lấy cảm hứng từ vở opera La Forza del Destino của Verdi, phần nhạc phim Bố già (God Father) từng gây xôn xao dư luận khi bị loại khỏi danh sách đề cử Oscar cho Nhạc phim xuất sắc nhất năm 1972 do giai điệu chủ đề đã từng được sử dụng từ trước đó 14 năm. Tuy nhiên, hai năm sau đó, năm 1974, nhà soạn nhạc Nino Rota cuối cùng cũng đã được vinh danh với một tượng vàng Oscar cho nhạc phim của Bố già phần II. Chương Hai đưa người nghe đến một xúc cảm choáng ngợp đầy chất điện ảnh trước khi trở về sự tĩnh lặng, cô đơn của hoài niệm.

    Chương Ba là một phối khí cho dàn nhạc của ca khúc “On Day Like This” – ca khúc chủ đề trong bộ phim Điệp vụ Ý (The Italian Job). Rõ ràng, phiên bản làm lại năm 2003 với Mark Wahlberg không thể vượt qua thành công của bộ phim gốc năm 1969 có Michael Caine trong vai trò diễn viên chính.

    Chương Bốn kết thúc bản concerto Những bộ phim hành động với giai điệu quen thuộc của nhà soạn nhạc Lalo Schifrin trong siêu phẩm Điệp vụ bất khả thi (Mission Impossible).

    Toyota Classics 2014 7
    Dàn nhạc Giao hưởng Covent Garden Soloists

    Những anh hùng hài hước: Concerto cho Piano và Violin cùng dàn nhạc (chuyển thể Pamela Tan Nicholson)

    Charlie Chaplin, Leo Daniederf, Biddu

    Opera buffa là thuật ngữ chuyên môn chỉ các vở opera hài. Những anh hùng hài hước, lấy cảm hứng từ những bộ phim vui nhộn và từ bậc thầy của phim hài Charlie Chaplin, có thể được coi là một bản concerto buffa. Chaplin không chỉ là một diễn viên, một đạo diễn vĩ đại mà ông còn là một nghệ sỹ đầy sức sáng tạo, có thể sánh ngang với tài năng và tầm nhìn của nhà soạn nhạc người Đức Richard Wagner. Tự học âm nhạc, không qua trường lớp, Chaplin khiến dư luận nghi ngờ khi lần đầu tiên thử sức mình với vai trò người nhạc sỹ trong một bộ phim. Nhiều ý kiến cho rằng việc Vua hề chỉ viết giai điệu mà không tham gia vào phối khí cho dàn nhạc khiến ông không xứng đáng được đứng vào hàng ngũ các nhà soạn nhạc. Tuy nhiên, cùng với thời gian, tài năng âm nhạc của Chaplin được khẳng định ngày một rõ nét khi không chỉ những bộ phim của ông ngày càng được đánh giá cao mà cả các phần nhạc phim trong đó cũng được khen ngợi là kịch tính và kết nối hoàn hảo với tình tiết trong phim. Hai bộ phim nổi tiếng nhất của Chaplin là Ánh đèn sân khấu (Limelight) và Thời hiện đại (Modern Times) được coi như hai minh chứng rõ rệt cho thấy phần nhạc phim xuất sắc là mảnh ghép không thể thiếu giúp bộ phim trở nên hoàn hảo.

    Không phải ai cũng có thể tự mình xử lý tốt cả hai vấn đề nhìn và nghe trong một bộ phim như Chaplin, nhưng tất cả các nhà viết nhạc phim tài năng đều có thể cảm nhận được những giai điệu thích hợp nhất cho bộ phim của mình. Khi nhà soạn nhạc Hans Zimmer quyết định sử dụng bản hit disco từ năm 1974 “Kung Fu Fighting” vào trong phần nhạc phim cho bộ phim hoạt hình Kung Fu Panda, ông biết mình đã tìm được giai điệu hoàn hảo nhất. Đoạn riff nổi tiếng “Phương Đông” trong ca khúc hẳn đã góp phần không nhỏ vào thành công, đem về cho Kung Fu Panda một đề cử Oscar.

    Nhẹ nhàng và thư giãn, concerto buffa gợi nhớ người nghe rằng âm nhạc là một phần không thể thiếu được của nụ cười và niềm vui.

    LadyGoGo