- ASUS trình làng dòng bo mạch chủ AMD X670 với dãy sản phẩm đa dạng
- Du lịch dã ngoại thêm thú vị với loạt máy chiếu di động đến từ ASUS
- Gia nhập thị trường đồng hồ thông minh, ASUS ra mắt dòng đồng hồ có khả năng theo dõi sức khỏe 24/7 và đo huyết áp
- ASUS tổ chức cuộc thi thiết kế The Power Of Imagination
Các dòng linh kiện máy tính mới đều được ASUS sản xuất với nhiều lựa chọn, đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng của người dùng. Với dòng bo mạch chủ Intel Z790, ASUS vẫn là hãng cung cấp nhiều lựa chọn nhất, từ phân khúc cao cấp với các lựa chọn đến từ dòng ROG Maximus và ROG Strix, trung cấp có TUF Gaming, dành cho nhóm người dùng sáng tạo nội dung có Pro Art và Prime dành cho nhóm người dùng phổ thông.
Hãng ASUS đã trang bị các linh kiện tốt và tích hợp nhiều công nghệ mới trên dòng bo mạch chủ Intel Z790 của mình, qua đó giúp người dùng dễ dàng tối ưu và tận dụng tối đa hiệu suất hoạt động của dòng CPU Intel Core thế hệ 13 mới nhất.
Cụ thể, hãng ASUS đã trang bị bộ chuyển đổi điện áp kỹ thuật số VRM với thiết kế 24+1 phase với các tụ điện 105A trên các dòng bo mạch chủ ROG Maximus, cung cấp dòng điện ổn định và sạch cho CPU. Giúp giải nhiệt cho cụm VRM chất lượng cao này là bộ tản nhiệt có kích thước lớn hơn và có thêm lớp đệm dẫn nhiệt.
Với dòng bo mạch chủ Intel Z790, ASUS còn trang bị tấm đệm kim loại ở vị trí các khe PCIe 5.0 dành cho ổ cứng SSD M.2 NVMe trên dòng bo mạch chủ cao cấp nhất. Người dùng cũng không cần sử dụng con vít nhỏ để giữ cố định ổ cứng SSD M.2 nhờ thiết kế chốt cài M.2 Q-Latch.
Hãng ASUS còn gia cố thêm vỏ bọc kim loại ở khe PCIe dành cho card đồ họa, lẫy cài dạng nút nhất PCIe Q-Release giúp người dùng dễ dàng lắp đặt và tháo card đồ họa. Các khe cắm RAM cũng được thiết kế mới với chốt cài Q-DIMM một mặt.
Đương nhiên không thể thiếu các tính năng tối ưu hệ thống do ASUS tự phát triển. Có thể kể đến như tiện ích ASUS Enhanced Memory Profile (AEMP) thế hệ hai với các profile được thiết lập sẵn để tối ưu hiệu suất hoạt động của dòng bộ nhớ RAM DDR5. Theo công bố của ASUS, các cấu hình RAM có sẵn trong AEMP II có khả năng hiệu chỉnh tốc độ RAM nhanh hơn tới 37,5% so với thông số cơ bản của DDR5-4800.
Hay như tính năng ép xung AI (AI Overclocking) đã được ASUS phát triển trên quá trình nghiên cứu với mô tả kỹ lưỡng về tiềm năng hiệu suất của hàng nghìn CPU thực tế trong các phòng thử nghiệm. Không chỉ được thiết kế với giao diện dễ sử dụng, tiện ích ép xung CPU này còn ứng dụng công nghệ AI để theo dõi hiệu suất làm mát của CPU và những thay đổi trong môi trường hoạt động của PC, từ đó điều chỉnh các thông số theo thời gian thực nhằm mang lại hiệu suất tốt nhất với bộ thành phần linh kiện của mỗi hệ thống.
Hỗ trợ theo dõi thông tin và tối ưu hiệu suất hoạt động của hệ thống tản nhiệt trên PC là các tính năng ASUS AI Cooling II và FanXpert đã được ASUS tích hợp trong ứng dụng Armory Crate. Đáng chú ý là tính năng ASUS AI Cooling II sử dụng thuật toán máy học để thu thập dữ liệu về hệ thống của người dùng thông qua một bài kiểm tra tốc độ quạt chạy ở các cấp độ khác nhau trong thời gian ngắn. Tính năng này giúp giảm tiếng ồn của quạt hệ thống lên đến 5,7 dB khi chịu tải liên tục.
Các dòng bo mạch chủ Intel Z790 còn được tích hợp chip Wi-Fi 6E. Và để giúp người dùng có được trải nghiệm sử dụng internet tốc độ cao qua kết nối Wi-Fi, hãng ASUS cũng đồng thời đưa ra thị trường dòng router Wi-Fi 6E Rapture GT-AXE11000. Theo chia sẻ của đại diện ASUS Việt Nam, Rapture GT-AXE1100 là dòng router Wi-Fi 6E đầu tiên được bán ra thị trường Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Song song với việc ra mắt dòng bo mạch chủ Intel Z790, hãng ASUS cũng trình làng dòng card đồ họa Geforce RTX 40 với hai dòng sản phẩm ROG Strix và TUF Gaming cùng các phiên bản GeForce RTX 4090 24GB, RTX 4080 16GB và RTX 4080 12GB. Trong đó, card đồ họa ROG Strix RTX 4090 là sản phẩm đầu tiên được ASUS ra mắt và giới thiệu tại sự kiện ra mắt sản phẩm mới dành cho thị trường Việt Nam được tổ chức tại Bali (Indonesia).
Để tối ưu hiệu suất vận hành của GPU Geforce RTX 4090 có 16.384 nhân CUDA, xung hoạt động 2.550MHz ở phiên bản tiêu chuẩn, 2.610MHz và 2.640MHz khi ép xung ở phiên bản ép xung, ASUS đã trang bị cho dòng card đồ họa ROG Strix RTX 4090 hệ thống VRM sử dụng các tụ DrMOS 70A với thiết kế 12+4 phase. Tất cả được sắp xếp gọn gàng trên bảng mạch PCB có kích thước chỉ bằng 1/2 chiều dài của card đồ họa.
Thiết kế của card đồ họa ROG Strix RTX 4090 cũng rất hầm hố với kích thước các chiều 357,6mm x 149,3mm và dày 70,1mm, chiếm đến 3,65 diện tích khe cắm trên thùng máy tính. Kích thước lớn này chủ yếu đến từ hệ thống tản nhiệt với khối lá nhôm dẫn nhiệt dày và nặng cùng 3 quạt hướng trục Axial-tech. Thiết kế hệ thống tản nhiệt được đội ngũ kỹ sư của ASUS phát triển dựa trên những mô tả kỹ thuật từ hãng NVIDIA và có những tối ưu riêng để đạt được hiệu suất tản nhiệt tốt nhất.
Hệ thống tản nhiệt sử dụng trên card đồ họa ROG Strix RTX 4090 có bề mặt khối lá nhôm hấp thụ nhiệt lớn hơn 30% so với hệ thống tản nhiệt sử dụng trên dòng card đồ họa RTX 3090, kết hợp thiết kế buồng hơi với các rảnh bên dưới 4 ống dẫn nhiệt 8mm và 3 ống dẫn nhiệt 6mm. Nhờ đó, nó tản nhiệt nhanh hơn và giúp giúp cho nhiệt độ mát hơn 5°C so với thiết kế buồng hơi thông thường. ASUS cũng đã gia cố cho dòng card đồ họa cao cấp nhất của mình bằng kim loại ở cả bộ khung, mặt trước và mặt sau của card đồ họa.
Trên dòng card đồ họa ROG Strix RTX 4090, ASUS còn trang bị thêm công tắc Dual BIOS cho phép người dùng lựa chọn giữa chế độ hiệu suất tối đa và chế độ yên tĩnh, đèn nền ARGB dễ dàng tùy chỉnh hiệu ứng ánh sáng thông qua phần mềm Aura Sync cùng hai chân cắm FanConnect II giúp đồng bộ và có thể điều khiển quạt của cả hệ thống PC. Đương nhiên, ASUS cũng cho phép người dùng tinh chỉnh hiệu suất hoạt động của GPU thông qua phần mềm ASUS GPU Tweak III.
Ngoài dòng card đồ họa ROG Strix RTX 4090 sẽ sớm được bán tại thị trường Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022, ASUS cũng sẽ ra mắt dòng card đồ họa TUF Gaming RTX 4090 có chiếu dài ngắn hơn cũng như các phiên bản card đồ họa RTX 4080 với bộ nhớ đồ họa GDDR6X 16GB và 12GB trong thời gian sớm nhất.
|
Thiên An