Tố Loan, một người phụ nữ Việt ở Canada, từng là nội trợ thuần túy, lại rơi vào nghiệp bầu show chỉ vì một đêm đi xem ca nhạc. Một đêm “định mệnh” mà bà gọi đó là “nghiệp”, khiến bà phải trả giá bằng tiền bạc, sức khỏe, cả tình yêu.

     

    Khởi đầu của một nghiệp

    Năm ấy, Tố Loan đi xem một show có Đông Hồ, Phương Trinh, Linh Đa Trang Đài, Tommy Ngô… Bà mua vé chỉ vì muốn tìm chút niềm vui của một người phụ nữ độc thân sau 13 năm ly hôn. Nhưng đêm đó, bà gặp anh bầu show, người sau này thành bạn đời và cũng là người đưa bà vào con đường “dở khóc dở cười” này.

    Từ chỗ chỉ biết nấu ăn, lo bếp núc, Tố Loan trở thành “hậu phương” gánh vác toàn bộ khâu tổ chức: giữ tiền, trả cát-xê, đàm phán giá, lo vé máy bay, khách sạn, giấy tờ bảo lãnh. “Anh chỉ cần chỉ một lần, tôi đã nhớ hết quy trình. Ca sĩ nào, giá bao nhiêu, tính cách ra sao, tôi thuộc làu”, Tố Loan kể.

     

    Hậu trường cay đắng: Máu, nước mắt và những đêm trắng

    Có lẽ ít ai hiểu nỗi cực của nghề bầu show hải ngoại. Ở Việt Nam, bầu show chỉ cần thuê địa điểm, trả thù lao, phần còn lại phó mặc. Nhưng ở Canada, bầu show phải “bao” tất: từ vé máy bay, khách sạn, ăn uống, đến việc bảo lãnh di trú. Nếu ca sĩ “trốn” không về, bầu show bị phạt đến 50.000 USD, mất giấy phép.

    Bà nhớ lại những đêm đi giao vé tận tay từng khách, đôi khi chỉ hai tấm vé nhưng phải lái xe mấy giờ. Có khách dặn “chị đợi em ngoài rạp nha”, rồi đến giờ diễn báo bận tiệc, bận đám cưới, thế là mất luôn. “Tôi sợ nhất bán vé. Mỗi vé như cục nợ đè lên vai”, bà thở dài.

    Có show, bà chuẩn bị 600 phần ăn giá 25 đô Canada mỗi phần, chỉ bán được 400 phần, còn lại mang về nhà ăn cả tuần. Rượu mua giá cao, bán gấp đôi để bù lỗ, nhưng đâu phải lúc nào khách cũng uống. “Trước giờ diễn, tôi phải đi quan sát từng bàn, coi bàn nào uống rượu mạnh, bàn nào ngồi im… để còn tính đường sống”, bà kể mà giọng nghẹn.

     

    Những cú sốc tình nghĩa

    Ca sĩ, người đi qua cuộc đời bầu show, nhưng để lại vết thương lòng sâu nhất. “Họ đến, hát, nhận tiền rồi đi. Không một lời hỏi han. Không ai biết tôi mất ăn, mất ngủ, nợ nần ra sao”, cô cay đắng cho biết.

    Nhưng Tố Loan cũng không quên nhắc đến vài ánh sáng hiếm hoi. Như ca sĩ Quách Thành Danh, sau show lỗ, anh vỗ vai bà chị: “Chị ơi cố lên nha, em biết chị khổ lắm, ráng nha chị”. Hoặc như ca sĩ Ngọc Anh, lần mượn Tố Loan 1.000 USD trước giờ diễn để lì xì ban nhạc, rồi dúi lại 100 USD cho chị rồi nói: “Chị cầm uống cà phê nha, em thương chị lắm, cực khổ quá”, "Tôi cầm tờ 100 đô đó mà rớt nước mắt tại chỗ. Lúc đó thấy mình an ủi phần nào, vì tình nghĩa là đây…."

    Đêm cuối, kết thúc giấc mơ

    Show tháng 3/2025 chính là “vết dao cuối cùng” cắt đứt nghiệp bầu show. Sân khấu 600 ghế, mới bán được phân nửa. Nếu diễn, có thể mất 50.000 USD. Đành phải huỷ show, chịu mất trắng 25.000 USD tiền cọc. “Tôi chọn huỷ để dứt nghiệp. Đến lúc đó, tôi biết mình đã ‘hết duyên’, không còn sức để bơi nữa”, Tố Loan nói.

    Quyết định đó cũng khép lại mối tình sáu năm với bạn trai, người bầu show từng dìu dắt cô vào nghề. “Tôi hết tiền, hết sức, hết luôn tình yêu. Cuối cùng nhận ra, mình chỉ là người nuôi ca sĩ mà không hề được ai nhớ đến…”, Tố Loan nói trong uất nghẹn.

     

    “Nuôi ca sĩ bằng nước mắt”

    Người ngoài chỉ thấy sân khấu rực rỡ, ca sĩ xinh đẹp, váy áo lộng lẫy. Nhưng ít ai thấy phía sau cánh gà: bầu show thức đêm lo giấy tờ, đếm từng đồng lẻ, chạy từng bàn rượu, ăn cơm nguội, ngủ ghế gập.

    Có show, lỗ 10.000 USD đến 20.000 USD là “chuyện thường ở huyện”. Có lần, sau đêm diễn, cô đếm từng đồng tiền lẻ, sắp từng xấp tiền, nước mắt rơi xuống giường. “Tôi nuôi ca sĩ bằng nước mắt của mình”, cô nói mà giọng vẫn còn… run.

    Nhiều ca sĩ trẻ từ Việt Nam qua, hát dở, đòi giá cao, chỉ xem bầu show như “cây rút tiền”. Khi còn cần thì ngọt ngào, xong việc thì biến mất. Có người thậm chí chỉ muốn qua để “lấy tiếng”, mượn danh đi diễn rồi bỏ mặc bầu show chới với trong nợ.

    Lời kết: Cái giá của những tràng pháo tay

    Giờ Tố Loan đã bước ra khỏi nghiệp bầu show, khép lại tất cả. Nhưng câu chuyện bà kể còn đó, như một lời nhắc nhở: ánh đèn sân khấu chỉ lung linh khi có người âm thầm chống đỡ phía sau. Đời bầu show giống như nuôi ca sĩ, nuôi luôn giấc mơ của khán giả. Nhưng rồi chỉ mình mình gặm nhấm nỗi đau một mình trong lặng lẻ.

    Nghề bầu show cứ như một hành trình rực rỡ mà cô độc, ồn ào mà lặng lẽ, huy hoàng ngoài mặt nhưng mục rỗng bên trong. Đằng sau tiếng nhạc rộn ràng, chỉ còn lại tiếng thở dài và nước mắt của tôi.

    Nguồn: Phong Cách Nghệ Thuật