Là một tác phẩm khá phức tạp cả về quy mô âm nhạc và ca từ, Đóa Hoa Vô Thường là một thách thức với cả người hát, người soạn hòa âm và cả người nghe. Mỗi một nghệ sĩ khi tiếp cận tác phẩm này đều cần một cách diễn giải của riêng mình, theo cách cảm, các hiểu của bản thân, và đi cùng với đó là phong cách âm nhạc phù hợp.
Bài Đóa Hoa Vô Thường ra đời từ những suy niệm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về Thiền. Ông đã viết như thế này về cách mình đến với Thiền: Tôi muốn hát về một cảnh giới mà trong mỗi người ai cũng có. Từ hư vô đến cuộc đời, và từ cuộc đời trở về lại với hư vô. Có nhiều bài hát của Trịnh Công Sơn ra đời từ tư tưởng này như Cát Bụi hay Một Cõi Đi Về… nhưng Đóa Hoa Vô Thường ở một tầm vóc cao hơn nhiều không chỉ về những suy ngẫm, mà còn cả trong cách thể hiện âm nhạc. Đó là một bản trường ca dài, thường được thu âm với thời lượng trên 10 phút, là sự kết hợp của nhiều đoản khúc giống như từng bước đường, từng giai đoạn mà một con người tự khám phá bản thân, tự mò mẫm đi tìm bản ngã của mình và biết chấp nhận những được – mất của cuộc đời, tất cả đều vô thường. Tìm em cả cuộc đời, rồi cũng đến lúc chia lìa. Hiểu thấu bản thân mình và mọi lẽ trên đời, rồi cũng tới lúc xa lìa trần gian.
Sau khi giới thiệu bản thu âm chính thức lần đầu tiên của trường ca Tiếng hát Dã Tràng, tức Dã Tràng Ca, ca sĩ Đức Tuấn đã bắt tay thực hiện tiếp bản ghi âm trường ca Đóa Hoa Vô Thường, nối tiếp mạch âm nhạc và cảm xúc của anh với nhạc Trịnh Công Sơn theo một cách rất riêng của mình.
Bài hát Đóa Hoa Vô Thường có nhiều đoản khúc với nhiều chuyển đoạn đôi khi rất đột ngột, vì thế để tác phẩm có sự thống nhất về âm nhạc, từ đó người nghe sẽ tập trung thưởng thức và có được cảm nhận sâu sắc nhất về tác phẩm, thì cần chọn một lối hòa âm phù hợp, vừa có tính liền mạch nhưng vẫn cho thấy sự phong phú về âm nhạc mà Trịnh Công Sơn đã sử dụng trong bản trường ca này. Có những khúc hát ngân nga như đồng dao, cũng có những trường đoạn ảnh hưởng nhạc cổ điển và những đoạn đầy kịch tích. Đức Tuấn và nhạc sĩ Lê Thanh Tâm đã sử dụng phong cách neo-classical cho bản hòa âm ca khúc này, một phong cách rất thịnh hành trong dòng nhạc cổ điển giao thoa cũng như cách mà một số ca sĩ nhạc cổ điển trình bày các tác phẩm nhạc pop, hoặc ngược lại. Trên cái nền cổ điển, nhiều sáng tạo mới mẻ và sự pha trộn nhiều phong cách âm nhạc khác nhau, đôi khi hơi nghịch tai, nhưng đem lại một hiệu ứng mới mẻ, khác lạ cho ca khúc.
Bản thu âm Đóa Hoa Vô Thường mới này đem lại một cảm giác khoáng đạt hơn, không cố tình tỏ ra bí hiểm bằng các hiệu ứng âm thanh lạ tai. Vì thế mà những hình ảnh giàu tính ẩn dụ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng hiện lên rõ ràng hơn nhất là với người nghe trẻ tuổi của ngày hôm nay.
Với bản thu âm này, khán giả sẽ có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Người cần nghiền ngẫm ca từ để hiểu thấu lẽ vô thường theo cách diễn tả của Trịnh Công Sơn vẫn có thể cảm được qua những đoạn hòa âm du dương với cách hát bán cổ điển sang trọng của Đức Tuấn; giới trẻ có thể chưa cần hoặc cảm thấy chưa tới lúc cần tìm hiểu ca từ, mà muốn cảm nhận trước về âm nhạc, cũng sẽ thấy nhiều nét độc đáo trong giai điệu của bài hát được phần hòa âm nâng tầm lên rất nhiều.
Và Đức Tuấn, như trong mọi sản phẩm âm nhạc của mình, vẫn hát theo một cách rất riêng, thoát hẳn khỏi mọi quan niệm mang tính ràng buộc rằng nhạc Trịnh là phải hát thế này hay thế kia. Đặc biệt, trong bản thu âm lần này, còn có phần lời tựa của Thiền sư Thích Minh Niệm – tác giả cuốn sách nổi tiếng Hiểu Về Trái Tim, cũng là một dẫn giải về ca khúc, xin trích:
Đóa hoa nào rồi cũng tàn phai theo lẽ vô thường của trời đất. Em cũng vậy. Em cũng vô thường. Hình hài, ý niệm, cảm xúc, vết thương, và cả linh hồn của em nữa, đâu có cái gì là giữ nguyên một trạng thái cố định ở trong trời đất này đâu. Và chính tôi cũng vậy, cái thấy của tôi về em, cũng không thể nào là bất di bất dịch. Nhưng mà, đóa hoa vô thường thì nó sẽ tái sinh, làm thân, làm lá, làm nụ cho kiếp mới… Còn em, em vô thường rồi, em sẽ đi về đâu, em tan vào tôi, em tan vào tất cả mọi người, tan vào vạn sự vạn vật xung quanh em… Nếu em có thể chấp nhận được thân mạng của em không chỉ gói gọn trong hình hài, trong linh hồn bé nhỏ này, mà nó còn là tất cả những gì ở ngoài kia đang không ngừng diễn ra và nuôi dưỡng em, thì em sẽ vượt thoát được vô thường, em sẽ thấy mình luôn có mặt khắp muôn nơi… Và đó sẽ là pháp thân của em, là bản thể chân thật của em…
Với bản thu âm mới nhất của tác phẩm Đóa Hoa Vô Thường, ca sĩ Đức Tuấn đã tiến thêm một bước quan trọng trong hành trình tiếp cận âm nhạc Trịnh Công Sơn của anh, đi từ những gì khó nhất, gai góc nhất, để có thể đi tới một sự hiểu thấu trọn vẹn tinh thần và âm nhạc của Trịnh Công Sơn, chuẩn bị cho những sản phẩm âm nhạc đầy tâm huyết của anh trong tương lai gần.
Sẽ còn có nhiều cách hiểu, nhiều diễn giải khác nhau về tác phẩm này của Trịnh Công Sơn, nhưng có lẽ điều mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mong muốn ở người nghe nhạc của ông, lại giản dị hơn nhiều: Ai cũng tò mò muốn biết những gì liên quan đến sự ra đời của một bài hát. Điều ấy là chuyện bình thường. Nhưng nhiều khi không biết lại là hay hơn. Hãy cứ để cho nghệ thuật huyễn hoặc mình và như thế mình tha hồ phiêu bồng trong thế giới mông lung của mộng tưởng. Mình phiêu du bằng đôi cánh của chính mình chứ không phải của ai khác. Và từ đó, mình là kẻ tự do tuyệt đối trong thế giới của mình