"Đến ngày 15/4/2020, nếu thu thập đủ 100.000 chữ "a" thì mới mở được gói tài trợ 200 triệu đồng dùng để tập huấn miễn phí cho phụ huynh, giáo viên can thiệp trẻ Tự kỷ ở các tỉnh thành.
Thông qua chương trình của VAN (mạng lưới Tự kỷ Việt Nam) mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng về hội chứng Tự kỷ để không còn nhầm tưởng Trầm cảm là Tự kỷ hay đó là “bệnh nhà giàu”, ...để có cái nhìn đúng đắn hơn về các em, nhìn thấy những nỗ lực của các em và có thể hiểu, chấp nhận các em cùng với hội chứng Tự kỷ. Hy vọng mọi người cùng gom chữ A cùng bọn mình.
Chỉ cần đăng ảnh có nội dung lành mạnh gắn hashtag như sau:#autism, #a365, #awareness và để chế độ công khai là bạn đã góp 3 chữ A cho chương trình. Một người có thể đăng nhiều lần, không giới hạn”.
Đó là nội dung xuất hiện nhiều nhất trên Facebook Việt Nam trong 2 ngày vừa qua, nội dung được những người bình thường và cả người nổi tiếng chia sẻ. Trang web của grandchallenges.ca, tổ chức phi chính phủ của Canada, chuyên tài trợ cho các ý tưởng lớn cải thiện tình hình thế giới, đơn vị được cho biết là nhà tài trợ cho chương trình “3 chữ A” này, chỉ hiển thị chương trình “Smartcare: giúp trẻ tự kỷ phát huy hết tiềm năng”. Chương trình bắt đầu từ 1/4/2019 đến 31/12/2020, với tôn chỉ lấp đầy khoảng trống thiếu hụt kiến thức, dịch vụ về trẻ tự kỷ thông qua một nền tảng trực tuyến cho phép các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hỗ trợ sự phát triển của trẻ và cung cấp cho cha mẹ các công cụ cần thiết để hỗ trợ sự phát triển của trẻ. Đây là một gói chương trình dài hạn với mục tiêu phổ quát thay đổi cách nhìn nhận, sàng lọc và nâng cao hiểu biết về chăm sóc trẻ tự kỷ tại Việt Nam. Không có một chỉ dẫn nào về phong trào “3 chữ A” và các mục tiêu.
Chương trình giúp nâng cao hiểu biết, nhận thức về trẻ tự kỷ tại Việt Nam (A365.vn) trên trang Grand Challenges Canada. |
Đóng góp của mọi người lớn hơn 200 triệu đồng nhiều
Trao đổi với chúng tôi, chị Trần Ban Mai, Phó Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (Viet Nam Autism Network-VAN) cho biết chị bất ngờ và rất vui vì chương trình do VAN phát động này đã được sự quan tâm chia sẻ nhiều đến thế. Chị Mai cũng cho biết thêm 200 triệu đồng không phải là mục tiêu lớn nhất của chương trình, phong trào này mà là nhận thức của người dân nhất là các phụ huynh có con em có các vấn đề liên quan đến tự kỷ. Sự quan tâm và tăng cường nhận thức này sẽ giúp các trẻ có được cách quan tâm đúng đắn và có khả năng giao tiếp, sinh sống bình thường tốt hơn.
“Là một phụ huynh có con là trẻ có vấn đề về tự kỷ, tôi trăn trở cách để những phụ huynh như mình có khả năng tiếp cận các kiến thức đúng về tự kỷ hơn. Không phải là cuốn sách hay vỉ thuốc, sự chia sẻ, kết nối, hỗ trợ trực tiếp từ các chuyên gia mới là điều cần thiết nhất cho các phụ huynh này”, chị Mai nói. Đó là lý do ngoài việc phát triển nền tảng A365, ứng dụng hoàn toàn miễn phí để giúp phụ huynh có thể sàng lọc và can thiệp một cách đúng nhất với trẻ có vấn đề tự kỷ, cùng với đó là tổng hợp cập nhật các kiến thức cần thiết để đồng hành cùng trẻ tự kỷ qua các giai đoạn, thì VAN và A365 vẫn tổ chức các buổi học tập trung cho các phụ huynh. “Chương trình học này đang dừng vì vấn đề dịch bệnh, nhưng chúng tôi sẽ sớm mở lại. Chỉ cần các phụ huynh vùng xa, không có điều kiện học trực tuyến hay muốn kết nối cụ thể có thể tìm được địa điểm đủ rộng cho 30-60 phụ huynh, VAN sẽ mời các chuyên gia đến dạy. Số tiền cần là để chi cho các việc mời, đi lại, lưu trú của các chuyên gia đó”, chị Mai chia sẻ.
Một buổi tập huấn cho các phụ huynh trong Mạng lưới Tự kỷ ở cuộc hội thảo VAN - A365, tại Nam Định, 7/2019 (ảnh VAN). |
Số tiền chi ra của nhà tài trợ sẽ không nhất thiết là 200 triệu đồng, có thể thay đổi nếu các chi phí đã nêu cao hơn hoặc thấp hơn. Nhà tài trợ cũng không yêu cầu nhắc tên cũng như con số chữ A cụ thể, 100 ngàn chữ A là mong muốn của VAN, trong hình dung sẽ có nhiều người quan tâm hơn đến các vấn đề tự kỷ tại Việt Nam. “Chúng tôi rất vui vì các đóng góp của mọi người cho thấy vấn đề đã được chú ý nhiều hơn”, chị Mai nói. Không chỉ đạt mục tiêu về vấn đề tài trợ, sự kiện này đã giúp một ứng dụng miễn phí cần thiết cho phụ huynh trẻ tự kỷ được biết đến nhiều hơn, “chương trình có thể giúp đỡ được nhiều người hơn, điều mà nhà tài trợ mong muốn nhất”.
Hiện nay, cứ 100 trẻ lại có 1 trẻ mắc hội chứng tự kỷ, điều này đặt ra các vấn đề lớn trong cách giải quyết. “Chúng tôi mong muốn sự quan tâm không chỉ dừng ở phong trào này, mối quan tâm, chăm sóc đúng đắn với các trẻ mắc hội chứng phải được nuôi dưỡng lâu dài, liên tục. VAN sẽ tiếp tục các chương trình hiệu quả đang làm, xin cám ơn sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng những ngày này”, chị Mai khẳng định. Sẽ không chỉ dừng lại ở “3 chữ A”, những trẻ tự kỷ cần hành trình hỗ trợ lâu bền nhất.