Không nhớ nổi đã giúp đỡ bao nhiêu người
Căn nhà của “đại gia từ thiện” Nguyễn Văn Việt nằm trong một hẻm nhỏ tại số 56/7 đường 1 A, khu phố Giãn Dân, phường Long Thạnh Mỹ, Tp.Thủ Đức. Ngôi nhà chật hẹp, nội thất trong nhà chẳng có gì ngoài những bức tranh vẽ kín trên tường, trên trần nhà.
Chị Nguyễn Thị Viên vợ anh cười nói: “Nhà tôi chẳng có gì đáng giá ngoài những bức tranh”, tài sản đáng giá duy nhất trong nhà là một cây đàn piano nhỏ nằm ở góc nhà và những tấm kỷ niệm chương của các tổ chức từ thiện.
Nhà chẳng có gì nhưng “tài sản” lớn nhất của anh chính là tấm lòng nhân ái, là hàng nghìn phần quà đã phân phát cho bà con nghèo trên khắp mọi vùng miền đất nước. Hỏi anh có nhớ đã phát bao nhiêu phần quà, giúp bao nhiêu người không anh chỉ cười bảo không nhớ nổi đã giúp đỡ bao nhiêu mảnh đời.
Tâm nguyện của tôi là giúp người thoát cảnh khổ, đau thương, mất mát; dùng đồng tiền đúng nơi, giúp người đúng chỗ; sống phải biết yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. |
Anh Nguyễn Duy Hải – một người bạn thân của anh Việt đã chia sẻ một số thông tin và hình ảnh của những đợt từ thiện mà anh Nguyễn Văn Việt đã giúp đỡ người nghèo. Cụ thể, vào năm 2014, anh Việt và một số bạn bè, mạnh thường quân đã hỗ trợ xây một ngôi trường tiểu học (trường mầm non Hoa Mai) ở xã Đắk’ Rtih, Đắk Nông, huyện Tuy Đức, trị giá 2 tỉ đồng.
Anh Việt cho biết tuổi thơ của anh sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Cái Khế, Cần Thơ. Anh học tới lớp 9 thì phải nghỉ học. Khi về xã Đắk’ Rtih – một xã nghèo miền rừng núi thuộc vùng sâu vùng xa, giáp biên giới Campuchia, anh thấy bà con ở đây đa số là người dân tộc thiểu số, cuộc sống nghèo khổ, trẻ em không có điều kiện học hành, cơ sở vật chất còn quá thiếu thốn nên anh dốc toàn bộ tiền dành dụm được và cùng với những người bạn xây luôn cho bà con ở đây một ngôi trường.
Ngoài ra, anh Việt còn hỗ trợ bà con ở Trà Vinh 5 căn nhà tình thương và hàng nghìn phần quà giúp đỡ bà con nghèo ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Kiên Giang... Từ giữa năm 2021 - 2022, anh đã hỗ trợ cùng với chính quyền địa phương giúp đỡ cứu đói cho những gia đình bị thiệt hại do đại dịch COVID-19, những người cao tuổi, những người có hoàn cảnh khó khăn trong địa bàn phường Long Thạnh Mỹ với số tiền trên dưới 200 triệu đồng.
Quá khứ nghèo khó – 10 năm ăn cơm thừa của công nhân
Anh Việt bồi hồi nhớ lại trước đây anh là một người đàn ông khỏe mạnh, trong một lần đi phụ hồ giàn giáo bị gãy anh suýt chết nhưng sức khỏe yếu kém, chân đi khập khiễn phải chống gậy.
Chị Viên – vợ anh làm công nhân giày da phải 10 năm gồng gánh nuôi chồng và hai con ăn học.Chị thường hay nhặt nhạnh cơm thừa của công nhân đem về cho cả gia đình ăn, nhờ vậy không phải tốn tiền gạo chợ, tiền làm được chị lo việc học cho con và những chi phí lặt vặt trong nhà.
Nhà nghèo đến nỗi đôi dép đứt không có tiền mua, chị phải đi lục rác coi nhà ai vứt thì nhặt nhạnh đem về mang. Có lần phường thông báo ngày mai phát gạo cứu trợ mỗi nhà 10 ký thế là cả hai vợ chồng mừng quá cả đêm không ngủ được, chỉ trông trời sáng để được đi lãnh gạo.
Có lẽ từ trong nghèo khó đi ra nên hai vợ chồng anh Việt thấu hiểu được nỗi khổ của người nghèo, sự giúp đỡ của chính quyền đến với vợ chồng anh trong lúc khó khăn là động lực, là nền tảng yêu thương để anh quyết định hình thành công việc từ thiện của mình sau này.
Trở thành họa sĩ tài danh – đạt kỷ lục Guiness Việt Nam
Từ một người đàn ông trụ cột của gia đình bỗng chốc trở thành người tàn phế, ăn bám vợ khiến anh Việt luôn có cảm giác mặc cảm tự ti. Những tháng ngày dài nhạt nhẽo đi ra đi vào, tiền bạc thiếu trước hụt sau, những đứa con thơ lớn dần cùng với chi phí ăn học ngày càng cao khiến anh hàng đêm trăn trở “ không lẽ mình là người tàn phế suốt đời để vợ nuôi, sống một cuộc đời không ý nghĩa?”.
Những suy nghĩ ấy cứ đeo bám anh mãi rồi một ngày anh chợt có một suy nghĩ “sức khỏe của mình yếu kém, trình độ thì không có, chỉ có một cách là làm một công việc gì đó nhẹ nhàng ngồi một chỗ, làm họa sĩ chẳng hạn”.
Nghĩ là làm, anh Việt bắt tay vào công việc vẽ tranh, nhưng với một người không hề học qua trường lớp thì vẽ tranh không phải là một công việc dễ dàng, anh mua sách về tự học, nghiên cứu bức họa của những nghệ sĩ tài danh của thế giới như Picasso, Leonadro...dần dần anh đã hình thành một phong cách vẽ của riêng mình.
Ba năm trời ròng rã mày mò tự học, tiền sách vở, tiền mực giấy vẽ ...là những gánh nặng đè trên đôi vai người vợ hiền tần tảo. Thay vì chỉ trích chồng, chị Viên vẫn luôn tin tưởng “tôi có một niềm tin anh ấy nhất định sẽ thành công”.
Không phụ lòng vợ, những bức tranh sơn dầu tuyệt đẹp đầu tiên của anh Việt đã ra đời, trên những bức tranh có sự hài hòa cân đối giữa các mảng màu sắc nhưng cũng có những lúc phá cách không theo một trường phái, một logic nào cả và không trùng lặp với bất kỳ họa sĩ nào.
Khi thấy anh Việt vẽ được những bức tranh có hồn, tuyệt mỹ, nhiều người quen bạn bè của anh nhiệt tình mua ủng hộ, vẽ được bức nào là hết bức đó.
Thay vì hưởng thụ cuộc sống từ việc bán tranh, anh Việt lại dùng gần như toàn bộ tiền bán tranh để giúp đỡ người nghèo. Vốn có tính thương người từ nhỏ và từ trong nghèo khổ đi ra, thấu hiểu nỗi khổ của người nghèo nên anh hết lòng hết dạ giúp đỡ mọi hoàn cảnh khó khăn.
Tấm lòng cao cả của anh Việt đã lay động trái tim của anh Nguyễn Duy Hải – giám đốc công ty băng keo 24h. Anh Hải đã tạo cho anh Việt một trang website ( www.tranhthanhhoa.com) và facebook (Thomas Maria) để giúp những bức tranh của anh Việt đến với khách hàng trên thế giới và được sự ủng hộ của nhiều người.
Năm 2020, anh đoạt giải kỷ lục Guiness Việt Nam chủ đề: “Người vẽ tranh Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước được trưng bày tại nhà nhiều nhất”.
Ngày 27/7/2022, kỷ niệm 75 năm Ngày Thương Binh Liệt Sĩ, anh Việt đã ủng hộ 100 triệu đồng cho chương trình thiện nguyện tặng quà và hiện kim cho những lão thành hội cựu chiến binh là những thương binh cùng người dân nghèo và trẻ em khó khăn, tặng thêm những phần quà nhu yếu phẩm (bánh mì, bánh ngọt, sữa, mì gói, mềm…) đồng hành cùng hội từ thiện Hội Quán Nghệ Thuật phát cho người vô gia cư toàn TP.HCM.
Sáng ngày 31/7/2022, từ 7 giờ đến 9 giờ, anh Việt đồng hành đi bộ cùng Hội người chất độc màu da cam Đioxin tại Công Viên Văn Hóa Đầm Sen cùng với Thiếu Tướng Trần Ngọc Thổ - Chủ Tịch Hội người chất độc màu da cam Đioxin và nhà ngoại cảm Hồ Văn Dủ - Phó Giám Đốc Trung Tâm Hỗ Trợ Phát Triển Dân Tộc và Nhân Học Việt Nam.
Không chỉ là họa sĩ tài danh, anh Việt còn là một người đam mê sáng tác nhạc. Anh tự sáng tác ca khúc rồi nhờ nhạc sĩ viết nốt, những ca khúc của anh da diết nỗi niềm thương, cảm thông với những mảnh đời bất hạnh.
Anh sáng tác được hơn 60 ca khúc như: Đôi mắt đợi chờ, Trở lại miền tây, Thân phận ở đời này... và được một số ca sĩ có tên tuổi yêu thích thể hiện như: ca sĩ Ánh Linh, Hà Vân, Bảo Nam... Hiện tại, anh Việt đang công tác tại Trung tâm hỗ trợ phát triển dân tộc và nhân học Việt Nam.
“Còn sức khỏe, còn bán được tranh là còn giúp người nghèo”, anh Việt cười đôn hậu. “ Tôi phải vất vả lắm mới kiếm được tiền nên tôi muốn dùng đồng tiền một cách ý nghĩa nhất, tôi muốn mình là một tấm gương kiên trì để những người tàn phế như tôi đừng nản lòng mà phải có ý chí vươn lên để trở thành một người tàn mà không phế, giúp ích được cho xã hội”.
Một số bức tranh sơn dầu vẽ về Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước của "đại gia từ thiện" Nguyễn Văn Việt:
|
LadyGoGo