Tại Việt Nam, nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo hội nhập quốc tế đã tạo nhiều tiền đề cho hợp tác quốc tế về giáo dục phát triển. Với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, Quốc tế hóa giáo dục đại học (QTHGDĐH) là phương thức giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế, học tập trao đổi kinh nghiệm để rút ngắn quá trình đổi mới giáo dục, là cơ hội xây dựng đại học xuất sắc. Đối với các cơ sở đại học, QTHGDĐH sẽ giúp nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu, cập nhật giáo trình, tăng cường khả năng tuyển dụng cho sinh viên tốt nghiệp và giao lưu sinh viên. QTHGDĐH mang lại lợi ích không chỉ cho quốc gia đang phát triển mà mang lại lợi ích đa chiều cho cả quốc gia đang phát triển và phát triển.
Năm 2015, Hội đồng Anh Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh và Bắc Ailen đã tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác Giáo dục Việt Nam – Vương quốc Anh lần thứ nhất tại London với nội dung “Kết nối Cơ hội – Xây dựng Đối tác Giáo dục Bền vững”. Tiếp nối thành công đó, Diễn đàn lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội nhân dịp 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Vương quốc Anh và kỷ niệm 25 năm Hội đồng Anh có mặt tại Việt Nam với chủ đề “Bối cảnh toàn cầu về quốc tế hóa giáo dục đại học – tập trung phát triển chất lượng hơn là số lượng”.
Là quốc gia có nền giáo dục phát triển hàng đầu thế giới, Vương quốc Anh cũng là một trong những nền giáo dục có tính ‘quốc tế hóa’ rất cao. Với sứ mệnh thúc đẩy tri thức và sự hiểu biết thân thiện giữa người dân Vương quốc Anh và các quốc gia trên thế giới, Hội đồng Anh cũng là tổ chức đi tiên phong trong lĩnh vực thúc đẩy QTHGDĐH. “Quốc tế hóa giáo dục đại học đóng vai trò mạnh mẽ trong việc phát triển quan hệ văn hóa và ngoại giao quốc tế. Thông qua Hội đồng Anh tại Việt Nam, chúng tôi vui mừng có cơ hội hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tổ chức diễn đàn Hợp tác Giáo dục Việt Nam – Vương quốc Anh lần thứ hai ngày hôm nay. Tôi rất vui khi thấy mối quan hệ hợp tác giữa Wales và Việt Nam, chính phủ của hai quốc gia, trường đại học và sinh viên ngày càng được thắt chặt. Chính phủ Wales cam kết làm việc chặt chẽ với Hội đồng Anh, và cùng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để ứng phó với những thách thức trong bối cảnh toàn cầu về quốc tế hóa giáo dục đại học – tập trung phát triển chất lượng hơn là số lượng”. Bà Kirsty Williams, Thành viên quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục xứ Wales chia sẻ.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nền giáo dục quốc tế mở với chỉ số hỗ trợ quốc gia về dịch chuyển sinh viên quốc tế, liên kết đào tạo và nghiên cứu là “Rất mạnh” và “Mạnh”**. Tuy nhiên, để xây dựng được vị thế giáo dục đại học trong khu vực và quốc tế, vấn đề chất lượng được chính phủ Việt Nam đặt lên hàng đầu và cần được cân bằng trong việc phát triển nhanh về số lượng. Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GDĐT Việt Nam, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Chủ đề của Diễn đàn ngày hôm nay “Bối cảnh toàn cầu về quốc tế hóa giáo dục đại học - tập trung vào chất lượng hơn số lượng” được tổ chức nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam và Vương quốc Anh sẽ mang một thông điệp hết sức quan trọng về tương lai hợp tác giáo dục giữa hai nước trong tương lai. Diễn đàn sẽ kết nối các lãnh đạo giáo dục đại học của Vương quốc Anh, quốc tế và Việt Nam; thảo luận các vấn đề và thách thức mang tính khu vực và toàn cầu về quốc tế hóa giáo dục đại học; đồng thời chia sẻ về xu hướng mới trong quốc tế hóa giáo dục đại học với đảm bảo chất lượng là định hướng để nâng tầm giáo dục đại học lên một bước phát triển mới. Tại Diễn đàn, các chuyên gia từ các trường đại học của Vương quốc Anh sẽ chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh về các vấn đề ưu tiên trong quốc tế hóa giáo dục đại học tại Việt Nam: i) Lãnh đạo và Quản trị trường đại học; ii) Chương trình liên kết đào tạo và Đảm bảo chất lượng; iii) Kết nối trường đại học và doanh nghiệp; và iv) Nghiên cứu và Dịch chuyển. Tôi mong rằng, trong diễn đàn này, các quý vị sẽ trao đổi thẳng thắn về những ý tưởng của mình để làm thế nào tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam với các trường đại học Vương quốc Anh trong bối cảnh toàn cầu hóa về giáo dục đại học.
Cũng trong diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam – Vương quốc Anh lần thứ hai, mạng lưới giáo dục đại học Việt Nam – Vương quốc Anh đã chính thức được giới thiệu với mười dự án hợp tác phù hợp với bốn mục tiêu và vấn đề ưu tiên chính trong QTHGDĐH ở trên. Mạng lưới gồm có sự tham gia của 56 trường đại học, các doanh nghiệp của cả hai quốc gia Việt Nam và Vương quốc Anh. Hội đồng Anh cam kết hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực quốc tế hóa giáo dục, khoa học và đổi mới sáng tạo, và thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Phát biểu tại diễn đàn, Bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam cho biết: Hợp tác giáo dục đại học là công cụ hữu hiệu mà chúng tôi sử dụng để thực hiện công cuộc kiến tạo hiểu biết và chia sẻ tri thức thân thiện giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Quốc tế hóa giáo dục đại học được xác định là một trong những chiến lược để nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam về giảng dạy, học tập, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Là tổ chức tiên phong trong việc thúc đẩy QTHGDĐH trên toàn cầu, chúng tôi vui mừng được phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tổ chức diễn đàn Hợp tác Giáo dục Vương quốc Anh – Việt Nam, qua đó khẳng định vai trò quan trọng của quốc tế hóa giáo dục đại học cùng với cam kết hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt với bốn ưu tiên chính trong QTHGDĐH ở Việt Nam.
Hội đồng Anh đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1993. Năm 2018, chúng tôi đánh dấu 25 năm hoạt động tại Việt Nam với chuỗi sự kiện kỷ niệm quan hệ và trao đổi văn hóa giữa Vương quốc Anh và Việt Nam.
**Báo cáo ‘Định hình giáo dục đại học toàn cầu: Khung chính sách quốc gia hỗ trợ hợp tác quốc tế’, Hội đồng Anh