Sinh ra ở một gia đình khá giả, từ nhỏ đã có máu nghệ thuật, có thể nói Thương Tín là một trong số hiếm các nghệ sỹ được đào tạo bài bản và cống hiến nhiều cho nền điện ảnh nước nhà. Cuộc đời Thương Tín ba chìm bảy nổi nhưng đam mê với nghệ thuật là mãi mãi. Năm 12 tuổi vì máu thích phiêu lưu, Thương Tín có trốn nhà theo một đoàn cải lương được 2 năm rồi gia đình phát hiện và gọi về. Sau đó thì Thương Tín thi và đậu vào Trường Quốc gia Âm nhạc - Kịch nghệ Sài Gòn, cuối năm 75 ông ra trường. Sau 30/4 thì ông lại được tuyển 1 lần nữa vô trường để học lại. Trước giải phóng, ông học diễn xuất học theo phong cách Pháp còn sau giải phóng thì lại học theo Nga, vì thế ông là người được học theo 2 trường phái. Sau đó thì ông bắt đầu sự nghiệp tham gia đóng phim và thời kỳ vàng son vào những năm 80, 90.
Nghệ sĩ Thương Tín và Trần Bảo Sơn trong một cảnh quay. |
Thương Tín được biết đến với rất nhiều phim như: Bài Ca Không Quên, SBC, Ngũ Quái Sài Gòn, Chiến Trường Chia Nữa Vầng Trăng, đặc biệt là Biệt Động Sài Gòn và Ván Bài Lật Ngửa (đóng cùng nghệ sỹ Nguyễn Chánh Tín). Vào những năm 80 - 90 khi mà cái tên Thương Tín xuất hiện ở đâu thì chỗ đó vé không đủ bán, có một ngày ông phải chạy sô đi đóng 2-3 phim. Nhưng ông tâm sự “thời của tôi đã qua lâu rồi”. Bẵng đi một thời gian dài ông không tham gia đóng phim, rồi sau đó ông lại xuất hiện lại với vai ông Thảo trong bộ phim kinh dị Đoạt Hồn - Hollow của đạo diễn Hàm Trần. Ông Thảo là một nhân vật bí ẩn và thân thiết với Vương Gia Huy (Trần Bảo Sơn), chính ông là người đã chứng kiến bao câu chuyện li kì của gia đình họ Vương, bày mưu tính kế cho Vương Gia Huy tìm mọi cách cứu lấy mạng sống cô con gái trở về từ cõi chết. Đây là một nhân vật đòi hỏi phải có sự thể hiện tính cách rõ ràng, mưu mô và tính toán. Thương Tín tâm sự: “Khuôn mặt tôi khá góc cạnh và lạnh lùng nên mặc dù đã hóa thân rất nhiều vai, chính diện và cả phản diện nhưng chỉ có những vai phản diện thì khán giả lại nhớ tôi nhiều hơn. Với tôi một người diễn viên thì phải biết đóng nhiều vai, nên nếu vai phản diện của tôi mà bị khán giả ghét và sợ thì coi như tôi đã thành công rồi.”
Tính đến thời điểm này, Thương Tín đã tham gia diễn xuất trên 100 phim nhựa và làm việc với khá nhiều đạo diễn nổi tiếng. Tuy nhiên, theo ông tham gia vào Đoạt Hồn là một cái duyên đặc biệt. Nguyên văn một lời chia sẽ từ ông: “Tôi được mời tham gia vào phim Đoạt Hồn trước khi phim bấm máy 3 ngày. Lúc đầu tôi cũng không biết nhiều về đạo diễn Hàm Trần vì tôi chỉ đóng phim trong nước thôi. Lần đầu gặp nhau, ông Đạo diễn yêu cầu tôi diễn thử, lúc đầu tôi định từ chối vì từ trước giờ ai muốn mời tôi thì khi tôi đồng ý và vào diễn luôn chứ không có casting gì hết. Nhưng sau một thời gian làm việc tôi nhận ra Hàm Trần là một người tâm huyết và đam mê, và chính những điều ấy đã tiếp lửa cho tôi tham gia vào bộ phim kinh dị đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất của tôi.”
Có lẽ cũng 6 năm rồi Thương Tín mới quay lại với điện ảnh. Ông kể lại: “Cách đây 3 năm cũng có 5-6 phim mời tôi nhưng tôi từ chối, vì làm nghệ thuật nếu như không có cảm xúc không bao giờ làm được. Sau cái thời hoàng kim những năm 80-90 đã qua rồi ấy, có đôi lúc tôi không muốn quay lại với điện ảnh. Nhưng kể từ khi cô con gái bé nhỏ của tôi ra đời, con bé đã đem lại cho tôi nhiều xúc cảm.Một phần tôi phải làm kiếm sống để nuôi con bé, phần nữa niềm vui khi có con đã giúp tôi lấy lại được cân bằng và đam mê đã trở lại. Tôi nhận vai ông Thảo 3 ngày trước khi phim quay, và tôi nghĩ mình đã làm đúng vì tôi được làm việc với một ekip chuyên nghiệp và tâm huyết.”
Nhân vật mà Thương Tín tương tác nhiều nhất trong phim là Trần Bảo Sơn, vì ông và Trần Bảo Sơn như một đôi bạn thân thiết trong phim. Với Thương Tín, Trần Bảo Sơn là một cái tên sau này, tuy nhiên sau nhiều lần trò chuyện với Trần Bảo Sơn thì Thương Tín nhận thấy đây là một người có khá nhiều tâm huyết và làm việc rất chuyên nghiệp. Các phân cảnh diễn chung cả hai cùng phối hợp nhịp nhàng, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, vì các cảnh đó chỉ toàn quay đêm và cả đoàn ai cũng mệt và đuối sức.
Khi nhận lời vào vai ông Thảo, Thương Tín mới biết nghệ sỹ Minh Trang cũng có tham gia, "chúng tôi, từng là hai người bạn vô cùng thân thiết và cũng mém chút nữa nên duyên cùng nhau, nên tôi cũng háo hức xem “người xưa” giờ như thế nào. Thế nhưng vì lịch quay không trùng nhau và mỗi người giờ đã ở mỗi nơi tôi vẫn chưa có cơ hội gặp lại cô ấy. Tôi tin con người ta có duyên với nhau và mỗi việc xảy ra đều là định mệnh.". Thế là trong suốt mấy ngày quay ở Châu Đốc và những ngày quay ở Sài Gòn, ông vẫn không có cơ hội gặp lại cố nhân. Hai nghệ sỹ từng một thời vang bóng cùng xuất hiện trong một bộ phim, thế mà định mệnh xui khiến họ vẫn không thể gặp nhau.
Theo nghệ Sỹ Thương Tín, Đoạt Hồn hoàn toàn là một câu chuyện thực tại trong thâm sâu của mỗi con người, ai cũng có những góc khuất riêng, cũng có những tâm tư riêng và phim đã khiến mỗi nhân vật tự khai thác góc khuất và tâm lý của chính mình. Ông Thảo chỉ là một nhân vật bình thường như mọi nhân vật khác, nhưng tôi được chọn vai ông Thảo có lẽ vì tôi có khuôn mặt đặc biệt, gò má cao, gương mặt gầy và xương, hình như tất cả đã làm tôi trông “đáng sợ và nguy hiểm” hơn một chút.
Ngoài ra ông còn tâm sự thêm “Đoạt Hồn là phim kinh dị nhựa đầu tiên tôi tham gia. Khi lần đầu đọc kịch bản và đọc về nhân vật tôi nghĩ Đoạt Hồn là một bộ phim lạ. Phim khai thác nhiều yếu tố tâm linh và nhiều góc khuất của một con người. Một điều tôi rút ra với phim này là: “Đừng bao giờ đánh giá con người qua vẻ bề ngoài, hãy đi sâu vào nội tâm để hiểu họ thay vì phán đoán. Còn nội dung thế nào hãy để khán giả xem và cảm nhận.”
LadyGoGo