Ở Grammy, các giải thưởng nhạc rock được thâu tóm bởi nhóm Black Keys rất xứng đáng với album El Camino và ca khúc Lonely Boy, bản nhạc được nghe ở hầu hết các quán bar chơi nhạc cho tới sân bay Changi ở Singapore hay Suvarnabhumi ở Thái Lan. Ở giải Brit, Black Keys cũng nhận giải nhóm nhạc quốc tế xuất sắc nhất. Nhóm đang ghi âm album thứ 8 của mình và dự định sẽ hoàn tất vào tháng 3 năm nay. Mumford & Sons vẫn tiếp tục được các nhà phê bình ở cả hai bờ Đại Tây Dương ưa chuộng khi giành giải nhóm nhạc Anh xuất sắc nhất ở Brit Awards và album xuất sắc nhất cho Babel tại giải Grammy.
Trong 4 giải Grammy quan trọng nhất, đã có 2 giải thuộc về các nghệ sĩ không thuộc nước Mỹ (Ghi âm của năm trao cho Somebody I used to know của Gotye đến từ Úc và Kimbra đến từ New Zealand còn album của năm cho Babel của Mumford & Sons đến từ Anh). Hai giải còn lại, may mắn thay, vẫn nằm trong lãnh thổ nước Mỹ với bài hát của năm cho We are young và Nghệ sĩ mới của năm cho nhóm Fun.
So với giải Grammy, Brit Awards có những sự khác biệt khi trao giải cho các tên tuổi không được nghe nhiều ở Việt Nam. Bên cạnh One Direction, Coldplay, Adele…, Brit Awards năm nay tôn vinh Emeli Sande và Ben Howard. Đặc biệt, giải của các nhà phê bình còn trao cho một cái tên lạ lẫm hơn nữa: Tom Odell.
Buổi trình diễn của Burberry tại tuần lễ thời trang London đã được Tom Odell đã khép lại với việc trình diễn ca khúc Hold me, đương nhiên, trong chiếc áo choàng dài màu đen của Burberry. Trước đó, Tom Odell cũng đã diễn tại các buổi Burberry Acoustic. Thương hiệu thời trang này cũng hướng đến âm nhạc với các dự án diễn nhạc mộc của mình. Hold me của Tom Odell khác hẳn với Hold me của Ebba Forsberg được sử dụng trong phim Hàn Quốc hồi xưa. Một ca khúc bùng nổ nhưng về nội dung vẫn là tình yêu. Sau một buổi tụ tập tại quán rượu, sau chút chất men chếnh choáng, chàng trai thú nhận khi cô gái ôm anh, anh cảm thấy được nhịp đập của trái tim cô. Bỗng nhiên anh bay bổng như đứng trên ngọn cây, mọi bài hát, mọi vần thơ giờ sao đúng quá… Với ảnh hưởng chính từ Elton John, hầu hết các ca khúc của Tom Odell đều có tiếng piano, giàu tính tự sự nhưng luôn có một đoạn bùng nổ, dồn dập. Việc được các nhà phê bình lựa chọn trao giải tại Brit Awards là bất ngờ với chính chàng trai sinh năm 90 này.
Trong khi đó, với Emeli Sande thì 2 giải nữ nghệ sĩ solo xuất sắc nhất và album xuất sắc nhất (cho Our Version Of Events) không có gì bất ngờ dù rằng cạnh tranh trong các giải này cũng toàn những cái tên rất đáng giá như Amy Winehouse, Jessie Ware (có album đầu tay Devotion rất đáng nghe) hoặc An awesome wave của Alt-J mà LTAN từng nhắc đến. Năm ngoái, chính Emeli là người đã được các nhà phê bình chọn trao giải Brit, giải tương tự của Tom Odell năm nay. Emeli rất hâm mộ giọng hát jazz Nina Simone nên kiểu nhạc của cô vừa hiện đại và vừa có chút hoài cổ. Album không quá nhiều chất pop như các tác phẩm mà cô từng viết cho Sugababes, Leona Lewis và Alesha Dixon.
Ben Howard cũng thuộc dạng singer-songwriter như Tom Odell, kiểu nhạc có vẻ u uất hơn, gợi nhớ đến Damien Rice hay Bon Iver. Sự bảo thủ của người Anh được thể hiện ở đây, khi những lựa chọn trao giải đều bàng bạc hoài cổ: Emeli Sande nhắc nhớ đến Tracy Chapman hay Joni Mitchell, Tom Odell thì ngoài Elton John còn chịu ảnh hưởng của Bob Dylan, Leonard Cohen, Leon Russell còn Ben Howard là các singer-songwriter của thập niên 60-70 như Van Morrison, Simon & Garfunkel với tông màu tối hơn, ám ảnh hơn.
Trong danh sách đề cử giải Brit năm nay, Rolling Stones xếp hạng 1 ở mức độ giàu có. Chỉ riêng ca sĩ chính Mick Jagger thôi đã được định giá cỡ 200 triệu bảng Anh (hơn 300 triệu đôla). Có điều 17 năm qua, cái tên Rolling Stones chưa từng một lần được xướng lên trong đêm trao giải và năm nay cũng vậy. Giải thưởng trình diễn live hay nhất đã được trao cho Coldplay thay vì nhóm rock kỳ cựu gồm toàn các thành viên đã trên 60 này. Nhưng có lẽ Rolling Stones cũng không cần thêm một giải thưởng nào để kéo thêm khách đến với 2 buổi diễn của họ ở sân O2, vốn được bán vé với giá từ 106 đến 406 bảng Anh, gói VIP thì giá lên đến 950 bảng Anh. Mỗi buổi diễn có khoảng 20.000 người đã đến xem chật cứng! Trong lần trao giải Brit đầu tiên năm 1977, Rolling Stones cũng được đề cử video xuất sắc nhất nhưng đã thất bại trước nhóm Beatles.