Phác họa cuộc sống những phận đời trôi sông lạc chợ, Lô tô là câu chuyện xoay quanh hành trình của gánh lô tô Phù Hoa. Khi màn đêm buông xuống, đèn sân khấu sáng lên cũng là lúc họ được sống với chính mình. Khoác lên mình những bộ cánh lấp lánh, trang điểm kỹ càng, mang tiếng hát mua vui cho mọi người, những tràng pháo tay của khán giả chính là niềm an ủi cho họ sống qua ngày.

    Huỳnh Tuấn Anh.

    Sinh năm 1982, từng là biên kịch của các bộ phim truyền hình như Cổng mặt trời, Thời gian để yêu, biên kịch gần 20 vở sân khấu trong đó nổi bật là Cái giếng lạ, Cuộc chơi nghiệt ngã... nhưng với điện ảnh, Huỳnh Tuấn Anh là tân binh. Mở màn với lô tô - gắn với ký ức của nhiều người dân ở nông thôn, lại có “người khổng lồ” Hữu Châu bảo chứng, liệu Huỳnh Tuấn Anh có thành công ở lần đầu tiên này?

    Lô tô là đam mê điện ảnh của anh, hay là một bộ phim để bán vé?

    Tôi xác định rõ là mình làm phim thương mại. Thương mại ở đây nghĩa là phim ăn khách, ăn khách với tôi không có nghĩa là ngôi sao đang hot, là hài, là chân dài. Mà ăn khách là món ăn đúng lúc khán giả đang thèm.

    Là một người xuất thân và sống nhờ biên kịch, nên phim của tôi mạnh về câu chuyện. Tôi tin rằng, người Việt vẫn thích drama lắm, bằng chứng là Cô dâu tám tuổi rất thành công trên truyền hình. Lô tô là một phim có kịch bản drama, chứ không phải là phim hài.

    Bộ phim có được ngày hôm nay là nhờ nhiều chữ duyên. Sau nhiều năm bôn ba, tôi gặp lại một người bạn học chung với nhau từ mẫu giáo ở Hà Tiên, sau này mình lên Sài Gòn trước bạn ấy. Bạn thấy mình làm nghề biên kịch truyền hình, sân khấu cực quá, thương mình bôn ba, lận đận nên quyết định đầu tư cho mình làm phim bằng một tâm hồn hồn nhiên nhất.

    Phim Lô tô không đem đồng tính ra gây cười mà kể về những thân phận.

    Khi quyết định làm phim, tôi suy tư nhiều, làm gì đây khi năm 2016, quá ít phim hòa vốn, có lãi, quá nhiều rủi ro. Sau khi nghiên cứu kỹ, tôi quyết định làm một phim đậm phong vị Việt Nam, vì cảm giác khán giả đang cần điều đó.

    Tôi nhớ đến sự rung cảm của phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng nên gặp đạo diễn Nguyễn Thị Thắm xin phép được cảm tác từ đây. Sau khi làm xong kịch bản, tôi gửi cho Thắm và Thắm nói: “Không sao đâu, kịch bản của anh không giống gì cả, anh cứ làm”. Thắm còn nói khi nào cần chi tiết gì cứ báo Thắm, Thắm giúp gì được sẽ giúp.

    Một người khó tính như anh Hữu Châu chịu đóng phim chắc hẳn không đơn giản?

    Ngay khi có ý định làm phim, tôi đã trăn trở về vai diễn này, bởi nhân vật của mình thuộc tuýp những người chuyển giới, đồng tính của nhiều thập niên trước. Thời đó họ chưa có y học hỗ trợ, chưa có thuốc chích teo cơ, nên hình hài đàn ông của họ vẫn nguyên xi vậy. Nếu là diễn viên lão làng khác, với chỉ số sinh trắc học khác thì cũng không ra được ý đồ của tôi.

    Mọi người mới coi trailer đã thấy anh Hữu Châu hợp vai vì thời đó, những người chuyển giới đi hát lô tô có khung xương rất to. Anh Hữu Châu là một sự lựa chọn chính xác và không có sự thay thế. Nếu không gặp anh Hữu Châu, có lẽ phim sẽ đi sang một hướng khác.

    Tôi biết anh Châu là người cực lực phản đối chuyện giả gái, mình là người lần đầu tiên làm phim điện ảnh nên không biết ăn nói sao với anh Châu. Tôi nghĩ thầm, nếu anh không đồng ý thì mình sẽ hoãn vô thời hạn để đợi ảnh. Khi anh Châu nhận kịch bản đọc thử mà im lặng cả tuần làm mình cứ hồi hộp hết ngày này qua ngày khác.

    Sau này, anh Châu kể lại, ảnh đọc ba trang kịch bản thấy đồng tính là ghét rồi, khép lại và đã có ý định không nhận lời. May quá, vài ngày sau, anh lại lôi ra đọc lại, gặp ngay phân đoạn cả đoàn lô tô bị hoạn nạn sau đám cháy, đoàn xe chạy trên đường bị hư, nhưng rồi cả đoàn gặp một đứa bé bị bỏ rơi và quyết định đem về nuôi. Lúc đó, anh Châu mới nói, à, thì ra đây là một kịch bản có tính nhân văn. Chi tiết đó khiến anh Châu đọc hết kịch bản và hiểu được chúng tôi không đem cái hài, cái đồng tính ra gây cười mà chúng tôi đang kể về những thân phận.

    Tôi nghĩ, anh Hữu Châu nhận lời là do duyên bởi tôi đâu đủ đẳng cấp hay danh tiếng để người nổi tiếng phải đọc kịch bản, chưa kể anh Châu là người tiếp xúc với rất nhiều kịch bản. Ngay cả chuyện lương bổng cho vai diễn ở giai đoạn đó cũng chưa bàn tới. Tiền là thứ không thể hấp dẫn được anh Châu, danh tiếng cũng không. 

    NSƯT Hữu Châu trong vai Lệ Liễu, bà bầu gánh Lô tô phù Hoa.

    Với anh, ký ức về những đoàn lô tô như thế nào?

    Quê tôi ở vùng biển Hà Tiên, dân làm ăn rất khá. Khoảng năm 1990, đâu có gì giải trí, chỉ có cải lương hoặc hội chợ. Lô tô sống rất được ở đây, mỗi năm có vài đoàn lô tô về. Sau này, khi lên đại học, tôi lại ở gần nhà một cô hát cải lương. Đời sống của đoàn cải lương và đoàn lô tô khoảng năm 2000 là như nhau. Khi đã xuống dốc rồi thì đoàn nào cũng ngủ dưới sàn. Dưới gầm sân khấu là những cái phòng, con người ở trong những cái ô đó với bao nhiêu thân phận.

    Khi xem phim tài liệu của Thắm, tôi rất xúc động. Khi quyết định lấy tứ từ đó làm phim, tôi nghĩ cũng sẽ có người so sánh phim tài liệu và phim truyện nhưng không sao, mình phải làm, chỉ là mình cố gắng bớt đi chút khốc liệt và trần trụi, phả vào đó sự nồng nàn, thêm và bớt những cái cần thiết để phục vụ số đông khán giả. Điều thú vị là khi ra hiện trường, mọi người trong đoàn phim sống gắn bó y như một đoàn lô tô vậy.

    Phim chưa ra rạp mà anh Châu đi đâu mọi người cũng gọi “chị Liễu”, ra chợ Bến Thành, hai bà bán dép gọi “chị Liễu kìa”...

    Anh mong đợi gì với bộ phim đầu tay này?

    Tôi mong mọi người đánh giá đây là một phim xúc động, chân thành, sạch sẽ và tử tế. Tôi không mong làm được một phim xuất sắc.

    Có một người đánh giá rất thú vị, với Lô tô, tôi đã làm được chuyện là lần đầu tiên mời được một kép già vào vai chính, vẫn còn đất sống cho người già. Và tôi cũng muốn mọi người xem phim, để hiểu về hành trình tìm nhau của hai cha con.

    Một người đàn ông hay đàn bà thất lạc con đã đau khổ, nghiệt ngã, huống hồ một người đàn ông đã biến thành đàn bà, nỗi đau thất lạc con càng phức tạp hơn, đến mức khi nhận ra con rồi, họ phải làm sao...

    Theo Trâm Anh/ Người Đô Thị