- Kết hợp King of Rap, Giọng hát Việt nhí mùa 2021 mở ra phiên bản HipHop cho thí sinh dưới 16 tuổi
- Trình Mỹ Duyên trở thành nàng Kiều trong phim điện ảnh cùng tên
- Phim châu Á thống lĩnh rạp Việt mùa phim cuối năm
- Tạo hình nàng công chúa Đông Nam Á Raya xuất hiện trong teaser trailer mới của bộ phim Raya và Rồng Thần Cuối Cùng
“Cậu Vàng” được lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao, phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam lấy một chú chó làm một trong những nhân vật trung tâm, là linh hồn của câu chuyện và cũng chính là điểm kết nối với những nhân vật khác. “Cậu Vàng” do chính cố NSND Bùi Cường – người được biết đến với vai diễn Chí Phèo trong bộ phim kinh điển “Làng Vũ Đại ngày ấy”- chắp bút, nhằm tưởng nhớ, tri ân cố nhà văn Nam Cao. Và dự án điện ảnh “Cậu Vàng” cũng chính là tâm nguyện lúc cuối đời của cố NSND Bùi Cường.
Bộ phim có sự tham gia với dàn diễn viên nổi bật của hai miền Bắc - Nam: NS Viết Liên (vai Lão Hạc), NSƯT Hữu Châu (vai Bá Kiến), NSƯT Chiều Xuân (vợ cả Bá Kiến), Khánh Huyền (vợ hai Bá Kiến), Băng Di (vợ ba Bá Kiến), Will (Lý Cường, con trai Bá Kiến), Trần Lê Nam (giáo Thứ), Trần Doãn Hoàng (Cò, con trai Lão Hạc), Bích Ngọc (Cải, người yêu Cò), Thanh Hoa (vợ giáo Thứ), Thanh Bình (Lê Văn), Chiến Thắng (Thầy Hoàng)….và khởi quay vào tháng 9/2019.
Truyện ngắn “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao khắc họa hình ảnh khốn khổ, đói ăn, tủi nhục của người nông dân trong giai đoạn nửa thực dân, nửa phong kiến. “Lão Hạc” là một bức tranh u ám, cái chết đau đớn bằng bả chó của lão Hạc khiến người đọc không khỏi xót xa cho cảnh cùng khổ của người dân Việt Nam lúc bấy giờ.
Đạo diễn Trần Vũ Thủy. |
Tuy nhiên, hình ảnh mở màn “Cậu Vàng” được hé lộ với khán giả lại đối lập hoàn toàn khi tạo ra một bức tranh đầy màu sắc, sinh động với chú chó nhỏ đang rong chơi trên cánh đồng hoa cải. Và vẫn là hình ảnh Lão Hạc, cậu con trai Cò đơm cá trên đồng. Hai con người cùng con vật ấy lại “ung dung tự tại”, thỏa mãn trong cái nghèo khi chốc lại quăng cho “cậu Vàng” chú cá ngon để “ngoặm” chơi.
Cuối clip, cậu Vàng được lão Hạc xoa đầu khen ngợi, Cò kéo Vàng đi bằng chiếc mo cau – một hình ảnh đầy chân quê, gợi lên những kỷ niệm mà bất kỳ đứa trẻ nông thôn nào cũng trải qua. Hình ảnh Lão Hạc, Cò và Cậu Vàng trên cánh đồng mang đến một hình ảnh gia đình ấm cúng, tràn đầy niềm vui vượt lên những nghèo đói, khó khăn của cuộc sống lúc bấy giờ. Cú lia máy ở cuối clip tạo ra không gian rộng lớn nhưng không khiến người xem cảm thấy sự cô đơn, lạc lõng mà là tràn đầy niềm yêu thương.
Với 50 giây ngắn ngủi nhưng phần nào cũng lột tả được điều mà đạo diễn Trần Vũ Thủy muốn truyền tải cũng như tinh thần bộ phim điện ảnh này mang lại.
Ngay từ khâu kịch bản, cố NSND Bùi Cường đã dùng hơi thở hiện đại, góc nhìn điện ảnh của xã hội mới tạo ra các nhân vật trong “Cậu Vàng” nhưng vẫn giữ cái hồn văn học đã làm nên tên tuổi của cố nhà văn Nam Cao.
Bộ phim điện ảnh “Cậu Vàng” do hãng phim Bùi Cường sản xuất, Trần Vũ Thủy làm đạo diễn, Galaxy Studio phát hành sẽ được công chiếu toàn quốc vào ngày 8/1/2021.
Đôi nét về cố nhà văn Nam Cao
Nhà văn Nam Cao (29/10/1915 – 5/11/1951) tên thật là Trần Hữu Tri. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang nay thuộc Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam. Học xong thành chung, Nam Cao bôn ba nhiều nơi nhưng bệnh tật đã đẩy ông về quê. Từ đó, Nam Cao sống chật vật bằng nghề dạy học và viết văn. Sau Cách mạng, với tư cách phóng viên – Nam Cao có mặt trong đoàn quân Nam tiến, rồi lên chiến khu Việt Bắc làm công tác văn nghệ. Cuối tháng 11 – 1951, trên đường đi công tác vào vùng địch tạm chiếm, Nam Cao anh dũng hy sinh tại làng Vũ Đại, huyện Gia Viễn, Ninh Bình khi tài năng đang tỏa sáng.
Ông là cây bút xuất sắc của dòng văn học hiện thực (1940-1945), là người đi tiên phong trong việc xây dựng nền văn học mới. Nam Cao được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1, 1996)
Đôi nét về cố NSND Bùi Cường
Bùi Cường (1945-2018) sinh ra tại Hà Nội. Trước khi đến với điện ảnh, ông đã tốt nghiệp Trung cấp Kỹ thuật Điện và từng làm việc tại Xí nghiệp điện Tam Quang (Sở Công nghiệp Hà Nội). Trong thời gian ở đây, ông đã tham gia đội kịch công nhân thành phố và đã từng đoạt Huy chương Vàng với vở diễn Anh Tư.
Năm 25 tuổi ông trúng tuyển lớp diễn viên khóa II của trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh chung khóa với: NSND Đào Bá Sơn, NSND Minh Châu, NSƯT Quốc Trọng, NSƯT Thanh Quý...
Vai diễn “Chí Phèo” đã giúp cố NSND Bùi Cường thật sự tạo một dấu ấn lớn trong tâm trí khán giả. “Chí Phèo” Bùi Cường cũng đã trở thành hình mẫu cho các thế hệ diễn viên trẻ.
Sau này, cố NSND Bùi Cường trở thành đạo diễn của gần 80 bộ phim truyền hình, trong đó bộ phim “Ông tướng tình báo và hai bà vợ” dài 29 tập được trao Huy chương vàng tại Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc. Và cũng đã giúp ông có một vị trí vững chắc trong lòng người hâm mộ với vai trò đạo diễn.
LadyGoGo