Tác phẩm Mái trường thân yêu - cuốn sách đặc biệt về tình Thầy Trò - của thầy giáo Lê Khắc Hoan – (tác giả đạt Giải Nhất cuộc thi viết về Thầy giáo và Nhà trường năm 1961) được xuất bản lần đầu tiên năm 1964 và đã trở thành một hiện tượng trong lịch sử xuất bản Việt Nam và đã lan tỏa hầu như đến tất cả các trường học và được các thầy cô, học sinh đều truyền tay nhau. Giá trị tinh thần “Mái trường” của quyển sách không hề suy xuyển từ thời những năm tháng chiến tranh gian khó cho tới ngày nay và đã trở thành cuốn sách gối đầu giường rất đỗi “thân yêu” của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên trong suốt hơn 50 năm qua. Mái trường thân yêu là câu chuyện có thật kể về cậu học sinh tên Việt, vốn là một học sinh thị xã chuyển về trường huyện Lâm Thao. Do điều kiện gia đình, Việt phải ở cùng bà nội và bắt đầu làm quen với thầy cô, các bạn và môi trường học tập mới.

    Sách mới: Mái trường thân yêu - Thầy giáo của những học sinh giỏi toán

    Việt vốn là một học sinh học giỏi, nhất là môn toán. Nhưng với môi trường mới, Việt chưa hòa nhập được, từ đó xảy ra biết bao chuyện bi hài trong năm học ấy. Cũng từ đấy, Việt cùng các nhân vật và các người bạn khác như cô giáo Mùi, Chiến, Mạnh, San, Loan, Quế…đã tạo nên một câu chuyện sinh động, chân thật và cảm động về một ngôi trường cấp hai miền Bắc trong thời chiến tranh bom đạn khó khăn.

    Thầy giáo – Nhà báo Lê Khắc Hoan chia sẽ về cuốn sách đặc biệt này: Cuốn sách Mái Trường Thân Yêu của tôi viết và xuất bản lần đầu với 35.000 bản in vào năm 1964 được bán hết chỉ trong vài tháng, với 100% tình tiết là sự thật đã diễn ra ở ngôi trường tôi dạy, ở lớp học do tôi làm giáo viên chủ nhiệm năm học 1962-1963. Các tên tuổi thầy trò được giữ nguyên khi đưa vào sách. Tất cả ký ức và tình cảm sâu đậm của mái trường thời đó đã được thể hiện sinh động, khắc ghi mãi trong tôi dù nửa thế kỷ đã trôi qua. Trước khi in lần đầu, cuốn sách đã được lãnh đạo Bộ Giáo Dục, trực tiếp là Thứ trưởng Võ Thuần Nho rất tâm đắc đọc từng trang, từng chữ. Cuốn sách đã lan tỏa hầu như đến với tất cả các các em học sinh, các trường học lúc bấy giờ, được trong và ngoài ngành giáo dục, tất cả các thầy cô, học sinh và bạn đọc rất xúc động, được xem là hình ảnh điển hình về tinh thần phấn đấu vượt khó để học tập tốt, tinh cảm tôn sư - trọng đạo tiêu biểu của nhà trường Việt Nam. Có lẽ chính vì vậy cuốn sách đã được in, tái bản rất nhiều lần, kể cả nhiều NXB và đơn vị đã in mà không xin phép tôi, ước tính đã gần một triệu bản in đã đến tay bạn đọc trong hơn nửa thế kỷ qua.

     

    Mái trường thân yêu được xuất bản chính thức 11 lần, và đạt giải thưởng Sách hay năm 2011. Điều đó cho thấy, sức hấp dẫn của Mái trường thân yêu chưa bao giờ hạ nhiệt, dù giáo dục đã phát triển và thay đổi rất nhiều so với nền giáo dục ở ngôi trường Việt đã theo học. Trong lần tái bản lần thứ 11 được tác giả gửi gắm, First News – Trí Việt gửi đến bạn đọc một phiên bản hoàn toàn mới của Mái trường thân yêu. Với phiên bản này, không chỉ mang lại cho các độc giả lớn tuổi một kỷ niệm không thể phai nhạt về một thời học sinh đặc biệt gắn liền với giai đoạn lịch sử mà còn mang đến cho các bạn trẻ một “mái trường” đặc biệt, dù không giống như ngôi trường các bạn đang theo học, nhưng vẫn rất gần gũi với những câu chuyện học trò thú vị, đáng yêu.

     

    Một điểm rất đặc biệt nữa trong đợt ra mắt mới của Mái trường thân yêu được xuất bản cùng với câu chuyện Thầy giáo của những học sinh giỏi toán lần đầu tiên được vẽ minh họa sinh động, và vẽ thiết kế bìa mới giúp những câu chuyện trở nên sống động, hấp dẫn hơn. Ngôi trường cấp 2 với biết bao kỷ niệm thân thương hơn nửa thế kỷ trước và người Thầy giáo năm xưa đã trở nên gần gũi hơn bao giờ hết như ký ức về ngôi trường và người Thầy mà các bạn đã từng và đang theo học. Với sự ra mắt mới mẻ này, Mái trường thân yêu - Thầy giáo của những học sinh giỏi toán chắc chắn sẽ trở thành người bạn tri kỷ và là cuốn sách đáng đọc nhất của các bạn học sinh, sinh viên bây giờ, các bạn học sinh muốn học giỏi toán - kể cả những người đã trưởng thành muốn ôn cố - tri tân. Đây thực sự là món quà quí và không thể thiếu được trong dịp ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11 năm nay.

    Sách mới: Mái trường thân yêu - Thầy giáo của những học sinh giỏi toán

    Thầy giáo của những học sinh giỏi toán là thiên ký sự đặc biệt của tác giả Đỗ Quốc Anh. Câu chuyện kể rất thật về thầy Tôn Thân, được xem là Thầy của những Người Thầy trong lĩnh vực toán học Việt Nam. Người ta biết nhiều đến GS. Ngô Bảo Châu (ĐH Chicago), GS Vũ Hà Văn (ĐH Yale), TS. Hoàng Lê Minh (Viện trưởng Viện Công nghệ phần mềm và nội dung số, huy chương vàng quốc tế đầu tiên của Việt Nam), PGS.TS Vũ Đình Hòa (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, huy chương bạc quốc tế đầu tiên của Việt Nam) Nhưng ít ai biết đằng sau những tên tuổi lớn ấy đều có chung một người Thầy giáo đã từng vô cùng tâm huyết đào tạo những học sinh trở thành những nhân tài toán học – làm rạng danh cho dân tộc Việt Nam. Đó là PGS.TS.NGND Tôn Thất Thân (mà các học sinh thường gọi trìu mến là Thầy Tôn Thân).

    Giáo sư Ngô Bảo Châu viết: “Sau hơn 30 năm nghĩ lại, tôi thấy mình quả là có nhiều may mắn, mà một trong những may mắn lớn nhất là được làm học sinh khoá cuối cùng của thầy Tôn Thân ở trường Trưng Vương.

    Năm 1981, thiên ký sự Thầy giáo của những học sinh giỏi Toán của tác giả Đỗ Quốc Anh (hiện là Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) nói về quá trình dạy học của thầy Tôn Thân ra mắt bạn đọc. Ký sự lập tức gây được tiếng vang lớn. Năm 2006, tạp chí Trí Tuệ đăng lại thiên ký sự này trong chuyên mục Kiểu dạy, kiểu học đào tạo nhân tài với lời giới thiệu: Đó là feuillton được đánh giá thành công nhất lịch sử 50 năm báo chí ngành giáo dục. Bởi chất văn học, bởi tính hấp dẫn, chân thực đã đành. Song thành công chủ yếu của thiên ký sự này chính là ở tính khoa học, tính giáo dục. Người viết khắc họa rõ nét chân dung của một tập thể thầy trò đã làm nên kiểu dạy toán, học toán đặc sắc, dạy học là dạy phương pháp tư duy sáng tạo, học toán là học cách học, học cách sống, rèn luyện thành người, tự khẳng định mình và hòa nhập với cộng đồng. Đúng là kiểu dạy, kiểu học đào tạo nhân tài, tiên tiến, hiện đại, so với chuẩn mực quốc tế hôm nay!

    PGS.TS.NGND Tôn Thân là cháu ngoại của cố học giả Phạm Quỳnh nhưng khi ông chỉ mới được hai tuổi thì ông ngoại mất. Thân sinh của Thầy Tôn Thân là GS Tôn Thất Bình, Hiệu trưởng Trường Thăng Long xưa, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS. Đặng Thai Mai từng dạy học. 15 năm dạy chuyên toán ở Trường THCS Trưng Vương, thầy Tôn Thân đã dạy 7 khóa học trò với 215 HS giỏi toán, đạt 42 giải toàn quốc. Năm 1974, đội tuyển VN lần đầu tiên dự thi toán quốc tế ở Đức, có 5 HS thì có tới 4 em là HS cũ của thầy Tôn Thân. Thầy Tôn Thân là một hình ảnh về một người thầy mẫu mực. Thầy không chỉ quan tâm đến việc hướng dẫn, truyền thụ kiến thức cho học sinh mà còn quan tâm đến việc phát hiện, nâng đỡ, phát triển kỹ năng, tài năng cho từng học sinh.

    Sách mới: Mái trường thân yêu - Thầy giáo của những học sinh giỏi toán

    Tri ân những người “đưa đò” trên dòng sông kiến thức, First News – Trí Việt xuất bản quyển sách Mái trường thân yêu – Thầy giáo của những học sinh giỏi toán của hai tác giả Lê Khắc Hoan và Đỗ Quốc Anh. Hai tác giả không chỉ là từng là thầy giáo mà còn hoạt động rất nhiều năm trong ngành giáo dục. Hai tác giả cũng là hai người giữ chức vụ cao nhất trong tạp chí Thế Giới Mới – một tạp chí từng rất nổi tiếng trong ngành giáo dục. Chắc chắn tập sách sẽ mang đến cho bạn đọc một luồng gió mát trong lành về tình cảm với những người thầy luôn hết lòng vì học sinh thân yêu.

    Sách được phát hành tại First News – Trí Việt 11H Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TP. HCM và các nhà sách lớn trên toàn quốc.

    Bình luận về tựa sách Mái trường thân yêu - Thầy giáo của những học sinh giỏi toán, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký cho biết: Mái trường thân yêu là một trong số những cuốn sách tôi mê nhất ngày còn đeo khăn quàng đỏ. Nó hút hồn tôi trước hết bởi nó được kể ở ngôi thứ nhất theo dạng tự truyện rất giản dị, tự nhiên. Đọc đến đâu là tin đến đó. Cứ tưởng tất cả mọi tình tiết đều là thật 100% (...). Điều đó càng chứng tỏ nhà văn Lê Khắc Hoan đã rất công phu trải nghiệm tích góp vốn sống thực tế phong phú chọn lọc về trường học để khái quát nâng lên tới mức điển hình hóa tiêu biểu.

     

    Còng với Giáo sư Tiến sĩ Ngô Bảo Châu: Thầy giáo của những học sinh giỏi toán” viếtvề thầy Tôn Thân được viết vào năm 1981, trước cả khi lần đầu tiên tôi được cắp sách đến học thầy. Sau hơn 30 năm nghĩ lại, tôi thấy mình quả là có nhiều may mắn, mà một trong những may mắn lớn nhất là được làm học sinh khoá cuối cùng của thầy Tôn Thân ở trường Trưng Vương. 

    Vào hè 2013, khi được đọc thiên ký sự được viết từ ba mươi lăm năm trước, những kỷ niệm về lớp chuyên toán 7H-8H của thầy Tôn Thân bỗng chốc trở lại, hiển hiện rõ mồn một, dù rằng anh Đỗ Quốc Anh viết về các anh, chị học thầy ở những khoá trước. Với lối hành văn sinh động, đầy ắp câu chuyện và tình tiết, anh Đỗ Quốc Anh đã khắc họa một cách chân thực chân dung của người thầy mà chúng tôi yêu quý. 

    Đối với tôi, thầy Tôn Thân luôn là người thầy mẫu mực. Thầy không bao giờ đễn trễ, trang phục thì luôn luôn chỉnh tề. Bài giảng toán của thầy lúc nào cũng trong sáng và dễ hiểu. Thầy luôn có những lời động viên, phê bình, đúng lúc và công bằng dành cho học trò. Khi bản thân trở thành thầy giáo, tôi mới nhận ra rằng để luôn luôn chỉnh tề, để không bao giờ đễn trễ, để giảng bài dễ hiểu, và để động viên phê bình học trò đúng lúc và công bằng, người thầy phải nỗ lực lớn như thế nào. 

    Thiên ký sự Thầy giáo của những học sinh giỏi toán của anh Đỗ Quốc Anh là một tài liệu rất quý. Nhờ vào nó, ký ức về một thời,  về một con người sẽ không thể phai đi trong tâm khảm chúng ta. Tôi tin rằng giữ gìn ký ức chân thực về những gì đẹp đẽ nhất của một thời đã qua là việc không thể không làm nếu chúng ta muốn cuộc sống ngày hôm nay tốt đẹp và nhân văn hơn.

    Tiến Sĩ Vũ Đình Hòa: Nếu nói về người thầy ta nhớ mãi trong tim, chúng tôi luôn muốn nói về thầy Thân. Kỷ niệm thơ ấu của chúng tôi có một đoạn sáng chói là thời gian học thầy. Có lẽ thầy là người thứ hai sau bố mẹ luôn lo lắng thật sự cho chúng tôi. Những điều đó thầy làm bằng trái tim và bằng cái tâm của một người Thầy thật sự vì tương lai học sinh, chứ không phải vì thành tích cá nhân trước mắt.

     

    Giờ đây, là một trong những người trực tiếp bồi dưỡng học sinh giỏi thi toán Quốc tế, như thầy, tôi luôn cố gắng giảng dạy các em bằng một tình yêu trẻ nhỏ và tình yêu thế hệ tương lai, cũng như nâng cao năng lực tự học của các em. Và mỗi khi nhớ về thầy, tôi lại muốn mình có thể đền đáp những tình cảm và những hy vọng thầy dành cho chúng tôi bằng những cống hiến của mình cho con người và cho tương lai mai sau. 

    Theo Tiến sĩ Đoàn Hồng Quang: Suốt thời gian từ năm lớp 5 đến lớp 7, thầy Tôn Thân làm chủ nhiệm lớp tôi. Chỉ 3 năm được học thầy, nhưng đó là quãng thời gian quý báu. Ngày đó, chúng tôi tuổi đời còn ít nên chưa hiểu hết được tầm quan trọng những bài học của thầy Thân. Mãi sau này, đã bôn ba mọi nơi, đi hết nước này đến nước khác, tôi mới hiểu được những gì thầy Thân dạy ngày đó. Ngay cả khi tôi trở thành giảng viên trường Tổng hợp quốc gia Úc, tôi cũng cố gắng đem những gì mình học được từ thầy Thân áp dụng cho học sinh của mình.

     

    Với Đại tá Phùng Anh Dũng: Mấy chục năm rồi, lớp chúng tôi vẫn giữ thói quen đến thăm nhà thầy vào dịp 20/11. […] Và một điều nữa, là thầy Thân rất thích chúng tôi đến xông đất nhà thầy vào sáng mồng một Tết. Vì vậy, tuy chẳng ai nói với ai, nhưng cứ đến mồng một Tết hàng năm, đám học trò ngày nào, chúng tôi rồng rắn đến thăm chúc Tết thầy. Những khuôn mặt ngây thơ, những mái đầu xanh năm nào nay đã điểm những sợi bạc. Tóc thầy đã bạc, tóc trò cũng bạc. Trong con mắt của thầy, chúng tôi bây giờ đã lớn, đã trưởng thành, có niềm vui nhen lên trong cái nhìn lấp lánh của người thầy. Còn trong mắt của chúng tôi, thầy mãi là người thầy đáng kính, và tôi mãi vẫn là học trò bé nhỏ của thầy.

     

     

    LadyGoGo