Bóng Làng là tập liên hoàn truyện. Bằng lối viết châm biếm hài hước, tác giả đã vẽ ra một bức tranh hoạt náo rất phong phú về các "tấn trò đời" của không ít người Việt Nam tại Ba Lan từ thời kỳ Đổi mới đến nay. Sách khoảng 85 ngàn từ, chia thành 9 truyện vừa độc lập vừa liên hoàn với nhau.

    Bóng Làng là tác phẩm văn học thứ hai, sau tiểu thuyết Tuyết Hoang đã được Trẻ xuất bản vào tháng 05/2014.

    Đời sống người Việt ở nước ngoài vẫn là một đề tài được chú ý trong văn học, bởi nó cung cấp cho người đọc sự nhận diện mức độ hòa nhập của cộng động này trong khung cảnh văn hóa thế giới. Qua đó, bày tỏ nỗi khao khát định nghĩa chính mình, như một phần của “ngôi làng toàn cầu”. Trong ngôi làng khổng lồ ấy, có chỗ nào cho một “làng Việt” ở một nước châu Âu?

    Bóng Làng của Trần Quốc Quân là chuỗi câu chuyện xoay quanh đời sống, sinh hoạt của một “cộng đồng làng xã” Việt tại Ba Lan. Các nhân vật, tất nhiên, đều là “người làng”, được cố kết bởi mối liên hệ họ hàng, thân thích ở những mức độ khác nhau. Từ làng mà ra đi, vì làng mà sinh nghiệp, họ mang theo cả những nét tính cách “làng xã” thâm căn cố đế đến cát cứ ở một vùng trời “văn minh”.

    Tập truyện liên hoàn là chuỗi tiếng cười giễu nhại, bắt đầu từ những cái tên đầy ngụ ý và quái lạ, kèm những biệt danh chỉ có thể sinh ra ở một xã hội, một giai đoạn nhiều thứ đảo nghịch nhưng được che bằng cái vỏ nền nếp truyền thống: Thích Nhất Danh – vật lộn theo đuổi đến mê muội chức danh chủ tịch ba hội đoàn người Việt ở xứ người. Vây quanh Thích Nhất Danh là Đắc Lắc Chảo, Hưởng Hoang Tưởng, Kiệt Đại Nhân, Lộc Nô Bộc… những nhân vật ra đi từ một cái làng tên Lành mà rồi lại tụ thành một cộng đồng phiên bản của nó nơi đất mới. Mỗi kẻ một cuộc mưu sinh với thời thế châu Âu, khôn lanh, táo bạo lẫn khờ khạo, chẳng lẫn vào đâu những nét toan tính của người Việt. Chừng ấy nhân vật như những đại diện cho xã hội Việt Nam, đi xa mà về gần.

    Truyện mang tiếng cười đầy tính trào lộng, đâu đó còn nghe thấy cả tiếng “mắng chó, chửi gà” vang lên trong một chiều thu Warzsawa, để rồi gây một cảm xúc bất toàn, chộn rộn lẩn khuất trong những “bóng người” hoang mang, trở đi trở lại như một điệp thức bi hài và cay đắng. Đọng lại sau những trang viết nhanh hoạt, giọng văn có lúc chua cay đáo để, là sự tự thức. Tự thức không phải là xóa sổ một “bóng làng” cội rễ, mà là vượt thoát khỏi những tự huyễn ấu trĩ nhân danh những bóng làng hồn nước mà bó buộc lấy những phận đời.

    Bóng Làng là một tập truyện lấy cảm hứng từ sự trải nghiệm của chính tác giả, nhưng được viết bằng bút pháp hư cấu phóng đại. Vì vậy, những nét giống đâu đó hoàn toàn là ngẫu nhiên. Điều quan trọng làmỗi người Việt đọc có thể hiểu được căn tính chính mình để tìm lời giải đáp cho chỗ đứng của mình trong thế giới này.

    Tác giả Trần Quốc Quân (sinh năm 1958), là Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan. Năm 1988 tác giả sang Ba Lan làm nghiên cứu sinh. Sau đó tiếp tục sống và làm việc tại Ba Lan cho đến nay. Hiện tác giả đang là doanh nhân có cơ sở kinh doanh tại Warsaw.

    Sang Ba Lan đúng vào thời kỳ chuyển đổi, sau đấy tiếp tục mưu sinh tại đó, tác giả có rất nhiều dịp cọ xát với thực tế, có hiểu biết rất tốt về tình hình người Việt tại nơi này. Là người giàu trải nghiệm lại tham gia ít nhiều vào công tác báo chí của cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan, là cây bút không thường xuyên của BBC, Vnexpress, tác giả có khả năng chia sẻ thấu đáo về mọi mặt đời sống (văn hóa, xã hội...) của cộng đồng Việt Nam tại đây.

    LadyGoGo