Chưa khi nào thị trường PC lại có những biến động lớn như năm 2020 này. Những biến động lớn từ các hãng sản xuất hàng đầu thế giới trong ngành PC đã phần nào mang đến một làn gió mới trên thị trường vốn đã bão hòa từ lâu và người dùng dường như không có quá nhiều lựa chọn.

    Sự trổi dậy của AMD

    Nói AMD trổi dậy cũng không ngoa khi mà nhà sản xuất CPU và GPU lớn thứ hai thế giới này đã có những bức phá mạnh mẽ trên cả hai mặt trận PC lẫn laptop. Và nếu như bạn theo dõi sát sao các thông tin về thương hiệu này trên các diễn đàn công nghệ tại Việt Nam, chắc chắn bạn sẽ biết đến những giải nghĩa khá thú vị về cách mà AMD đặt tên cho dòng CPU Ryzen của mình.

    Giới công nghệ đùa vui rằng Ryzen là từ viết lái đi của từ Risen có ý nghĩa là trổi dậy. Và điều đó hoàn toàn đúng với dòng CPU Ryzen, nhất là khi AMD bắt đầu tung ra thị trường dòng CPY Ryzen 3000 được xây dựng trên kiến trúc Zen 2 cùng tiến trình vi mạch 7nm.

    AMD cải tiến hiệu suất CPU Ryzen 3

    Với kiến trúc mới này, các dòng CPU Ryzen 3000 của AMD không chỉ cải thiện được hiệu năng hoạt động, mà mức tiêu thụ điện năng cũng như nhiệt lượng tỏa ra cũng được giảm đi đáng kể so với trước. Chẳng những thế, dòng CPU Ryzen 3000 còn được thiết kế với nhiều nhân và nhiều luồng xử lý nhưng vẫn có được một mức giá phải chăng.

    Tiêu biểu như dòng CPU AMD Ryzen 3 3100 sở hữu thiết kế 4 nhân 8 luồng có tốc độ hoạt động 3,6GHz hiện có giá bán 2,45 triệu đồng. CPU có giá bán thấp nhất trong dòng CPU Ryzen 3000 mới nhất của AMD này đang tạo nên cơn địa chấn trên công đồng PC toàn cầu khi tạo nên kỷ lục ép xung với Nitơ lỏng LN2 với mức xung đạt được lên đến hơn 6GHz.

    Sự trổi dậy của AMD còn được minh chứng bằng chiến thắng đậm tại giải thưởng của Hiệp hội phần cứng châu Âu (European Hardware Association – EHA). Theo đó, AMD đã giành được giải Công nghệ mới tốt nhất (Best New Technology) và Sản phẩm của năm (Product of Year) với dòng CPU AMD Ryzen 3000 series, CPU cao cấp nhất Ryzen 9 3950X thì giành được giải CPU tốt nhất (Best CPU), Ryzen 5 3600 thì giành giải CPU gaming tốt nhất (Best Gaming Product),...

    Apple chia tay Intel, chuyển sang dùng bộ xử lý ARM do mình tự sản xuất

    Ở một khía cạnh khác, sự kiện Apple chính thức chia tay Intel để chuyển sang sử dụng các dòng vi xử lý ARM do mình tự thiết kế trên các dòng máy tính Macbook sẽ ra mắt trong thời gian tới. Thông tin được Apple công bố chính thức tại sự kiện WWDC 2020 diễn ra vào ngày 23/6 vừa qua.

    Sự kiện Apple chia tay Intel để chuyển sang dùng các bộ xử lý ARM đã khiến người dùng công nghệ nhớ đến sự kiện khi Apple chia tay dòng vi xử lý PowerPC để chuyển sang dùng các vi xử lý x86 do Intel sản xuất.

    Chuyện tình của ARM và Apple

    Tuy nhiên, việc Apple chuyển sang dùng các chip ARM thì không hề đơn giản bởi hãng sẽ phải thiết kế lại toàn bộ hệ sinh thái MacOS của mình. Bên cạnh đó, rất có thể hãng sẽ phải đối mặt với một vụ kiện chống độc quyền nếu như hãng "táo cắn dở" này muốn tạo nên một hệ sinh thái do mình tự chủ từ A đến Z. Và điều đó cũng sẽ sắp diễn ra khi mà CEO của Apple sẽ cùng các CEO 3 hãng công nghệ lớn khác là Google, Facebook và Amazon sẽ phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ vào khoảng cuối tháng 7 này.

    Dù vậy, bạn vẫn hoàn toàn có quyền chờ đợi những trải nghiệm mới mẻ và tối ưu hơn với các dòng Macbook sử dụng bộ xử lý ARM. Điều này cũng dễ hiểu bởi Apple đã có gần thập kỷ se duyên với ARM mà bạn không hề hay biết.

    Intel âm thầm mang đến những trải nghiệm mới cho người dùng

    Nhiều người cho rằng, nhờ AMD nên Intel mới không ki bo về số nhân dành cho các dòng CPU thế hệ mới. Điều đó là không thể bàn cãi bởi ngay sau khi AMD "tung hoành" với dòng CPU Ryzen 3000 series, Intel cũng không thể ngồi yên nên đã tung ra dòng CPU Core thế hệ 10 với thiết kế nhiều nhân xử lý hơn cho các dòng CPU phổ thông.

    Tuy nhiên theo một số người thạo tin công nghệ, Intel trong những năm gần đây tập trung nhiều hơn vào việc mang đến cho người dùng nhiều trải nghiệm tối ưu thông qua các sản phẩm của hãng. Điển hình như sân chơi độ thùng máy tính Extreme PC Master đã được Intel Việt Nam tổ chức từ năm 2016 đến năm 2019 với nhiều thay đổi qua từng năm.

    VGS Imperium là thương hiệu laptop Việt Nam duy nhất được ra đời từ dự án Intel White Book.

    Hay như chắc hẳn người dùng cũng đã biết đến một thương hiệu laptop VGS Imperium ra mắt từ giữa năm 2019 nhưng cũng đã nhanh chóng được người dùng Việt đón nhận bởi cấu hình máy được tối ưu và một chính xác hậu mãi rất tốt. Đặc biệt hơn, đây lại là một thương hiệu laptop do người Việt sản xuất thông qua chương trình Intel White Book.

    Intel White Book là một chương trình do Intel xây dựng và phát triển. Intel sẽ là đơn vị cầu nối giữa các hãng sản xuất linh kiện máy tính với các nhà đầu tư muốn xây dựng một thương hiệu máy tính của riêng mình dựa trên nền tảng bộ xử lý của Intel.

    Đương nhiên, Intel cũng sẽ có những tiêu chí rất rõ ràng để lựa chọn các đơn vị tham gia vào chương trình này. Và VGS là thương hiệu Việt Nam duy nhất được Intel lựa chọn tham gia chương trình Intel White Book để cho ra đời dòng laptop gaming VGS Imperium với giá bán không hề rẻ, ít nhất là từ 35 triệu đồng nhưng vẫn được người dùng Việt đón nhận.

    Theo Tùng Nguyễn/ Thế Giới Số