Doanh số laptop tăng phi mã
Khác với tình hình đang "thấm đòn" dịch COVID-19 của mảng smartphone, ngành hàng laptop lại có bước "quay đầu" trở lại trong thời điểm này. Theo dự đoán trước đây, từ năm 2019 đến 2020, doanh số máy tính nói chung hay laptop nói riêng sẽ tăng trưởng rất chậm do sự bành trướng mạnh mẽ của smartphone. Tuy nhiên trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến khó lường hiện nay và mọi người buộc phải ở nhà để làm việc từ xa thì tình thế của ngành laptop đã có sự xoay chuyển rõ rệt.
Theo ghi nhận của hệ thống Thế Giới Di Động, doanh thu từ mặt hàng laptop giai đoạn tháng 1 - tháng 3/2020 tăng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó số lượng laptop dành cho dân văn phòng chiếm đến 95%, còn lại 5% là gaming laptop. Lý giải nguyên nhân tăng, hệ thống này cho biết hiện nhu cầu học tập và làm việc tại nhà trong mùa dịch Covid-19 tăng lên khiến nhiều người mua laptop hơn. Bước đầu tư mạnh hơn vào mảng laptop của TGDĐ từ giữa năm 2019 đã bắt đầu có được "quả ngọt", cứu vớt phần nào doanh thu mảng smartphone trong thời buổi Covid-19 hiện nay.
FPT Shop, chuỗi chỉ đứng sau Thế Giới Di Động về số lượng cửa hàng, tiết lộ rằng trong tháng 2, tăng trưởng ngành laptop là 79% so với tháng 1. Trong khi đó, tháng 3 này tăng trưởng lên tới 172% so với tháng đầu năm.
Anh Trung, chủ một tiệm laptop, thiết bị công nghệ nhỏ trên đường 3/2, quận 10, Tp.HCM, cho biết: “Mấy ngày này người ta tới hỏi mua laptop nhiều lắm, đa số laptop văn phòng được người ta chọn nhiều hơn”.
Nhu cầu tăng kết hợp với các nhà bán lẻ đẩy mạnh bán hàng qua kênh thương mại điện tử khiến doanh số laptop tăng mạnh. FPT Shop cho biết có tới 80% laptop đang được bán trả góp không lãi suất, mua trả thẳng thì chắc chắn được quà nên nhiều người chịu chi hơn.
“Chúng tôi nhận thấy doanh thu của kênh Ecommerce từ ngày 28/3 đến nay có sự tăng trưởng mạnh vào khoảng 40% ở các khu vực tạm ngưng phục vụ tại cửa hàng. Nhu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm mobile, tablet và laptop vẫn rất lớn đặc biệt cho nhu cầu học tập, làm việc và giải trí tại nhà. Khi cửa hàng đóng cửa thì khách hàng có xu hướng chọn mua hàng trên các kênh online của FPT Shop”, đại diện của FPT Shop cho biết.
Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh chia sẻ, thị trường laptop tại Việt Nam hiện có khoảng hơn 1 triệu chiếc được bán ra mỗi năm, với doanh số 12 - 14 ngàn tỷ đồng. Laptop bán nhiều được tập trung ở phân khúc giá khoảng 13 - 14 triệu đồng.
Thị trường điện thoại có chững lại, khách hàng vẫn quan tâm những sản phẩm mới
Smartphone, một ngành công nghệ tưởng chừng không phải chịu quá nhiều những tác động đến từ đại dịch COVID-19, hiện đang có dấu hiệu sa sút rõ rệt trong tháng qua. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này đó chính là việc sản xuất smartphone tại Trung Quốc bị đình trệ. Trong khi đó dịch bệnh khiến kinh tế bị ảnh hưởng, nhu cầu mua sắm của người dùng cũng thấp hơn. Theo dự báo của Counterpoint Research, doanh số điện thoại thông minh trong những tháng kế tiếp sẽ tiếp tục giảm trước tình hình lây lan ngày càng nhanh của virus Corona.
Oppo Find X2 ra mắt giá 23,99 triệu đồng được kỳ vọng sẽ giúp thị trường điện thoại cải thiện hơn. |
Tuy vậy, đại diện FPT Shop cho hay, xu hướng mua điện thoại của khách hàng từ lúc dịch bùng phát đến nay có thay đổi, tuy nhiên không hoàn toàn khác biệt. Người tiêu dùng bên cạnh việc quan tâm đến các sản phẩm Hero mới ra mắt, cũng đồng thời quan tâm đến các dòng sản phẩm phù hợp nhu cầu và khả năng, đặc biệt các sản phẩm đã được chứng minh về chất lượng, thương hiệu như Samsung S20 Series, Samsung Note10/10+, Oppo Find X2... Tại FPT Shop, tình hình bán điện thoại trong quý 1 vẫn đang bám khá sát kế hoạch đặt ra, đạt trên 90%.
Có nhiều cửa hàng, siêu thị đã phải giảm giá bán của điện thoại để kích cầu tiêu dùng. Tại một hệ thống bán lẻ, toàn bộ khoảng 15 mẫu iPhone chính hãng đều giảm giá. Mức điều chỉnh thấp nhất là 200.000 đồng với iPhone 7 32 GB, từ 10 triệu đồng xuống 9,8 triệu đồng. Mức cao nhất là 2,1 triệu đồng với iPhone 11 Pro Max - bản 64 GB giảm từ 34 triệu xuống 31,9 triệu đồng.
Ngành điện máy “thay đổi cuộc chơi”, đẩy mạnh online, kích cầu mua sắm
Thị trường điện máy là một trong số ít những ngành ít bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, việc đi lại mua sắm của người tiêu dùng vẫn diễn ra nhưng với tần suất thấp hơn so với trước, mặt khác bởi hầu hết mọi người đều đặt mua online và có nhân viên đến giao hàng tại nhà. Vì vậy ngành hàng này ghi nhận sức mua online có chiều hướng tăng, bù lại lượng khách đến tham quan mua sắm khá thưa thớt tại các siêu thị, trung tâm kể cả vào những ngày cuối tuần. Nhiều siêu thị, tình trạng “nhân viên đông hơn khách”, chỉ thưa thớt vài khách đến xem các mặt hàng gia dụng, hoặc mua nồi cơm điện, quạt...
Máy lạnh và tủ lạnh là hai mặt hàng đang thu hút sự quan tâm nhiều nhất của người dùng. |
Nắm bắt được tâm lý ngại ra đường trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang chuyển biến phức tạp, nhiều siêu thị điện máy đẩy mạnh hình thức bán hàng online và kích cầu mua sắm bằng các chương trình khuyến mãi khủng.
Tại Siêu thị Điện Máy Chợ Lớn, bên cạnh một số sản phẩm giảm giá tới 50%, nhiều dòng tivi, máy giặt, tủ lạnh, máy điều hòa giảm giá 10-30%. Vừa kết thúc một số chương trình "Lì xì lớn – tại Chợ Lớn", hệ thống điện máy này tiếp tục "chạy" chương trình giảm giá 50% với các sản phẩm giúp giải nhiệt như tủ lạnh, tủ mát, điều hòa, các loại quạt... nhằm kích cầu người tiêu dùng trong mùa dịch bệnh, khi mà nhiều người đang thắt chặc chi tiêu hơn.
Các siêu thị điện máy cho biết, tủ lạnh và máy lạnh là 2 sản phẩm được đẩy mạnh trong những ngày gần đây để đáp ứng cho nhu cầu tránh nóng tại nhà tăng cao và dự trữ thức ăn với khối lượng lớn do việc hạn chế ra ngoài.
Cùng với đó, các siêu thị đã tăng cường kênh bán hàng trực tuyến với các ưu đãi tương đương, đáp ứng nhu cầu mua sắm trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19. Ông Nguyễn Thanh Lam, đại diện siêu thị Điện Máy Chợ Lớn cho hay: “Đáp ứng nhu cầu mua sắm qua mạng của khách hàng tăng cao do dịch COVID-19, chúng tôi đã đã đẩy mạnh kênh mua sắm trực tuyến. Gần 10.000 mặt hàng điện tử, điện máy đều được cập nhật thông tin trên website giúp khách hàng dễ dàng chọn lựa, mua sắm”.
Có thể thấy, giữa mùa dịch COVID-19 hiện nay thì việc bán lẻ kết hợp với thương mại điện tử đang là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp tồn tại và phát triển được trong thời gian khó khăn chung này. Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam khẳng định, kết hợp giữa kênh bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử là mô hình đa kênh, đem đến nhiều lợi ích cho cả người mua lẫn người bán. Với việc các siêu thị điện máy hiện đang đồng loạt đẩy mạnh bán hàng trực tuyến kết hợp kênh bán hàng truyền thống, trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, cho thấy sự nhạy bén trong lựa chọn hướng đi phù hợp. Từ đó đem đến nhiều cơ hội mua sắm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.