Điện năng tiêu thụ (TDP) và tốc độ quay của quạt là hai thông số mà người dùng cần quan tâm để có thể lựa chọn được tản nhiệt khí hợp lý dành cho CPU mà mình đang sử dụng.

Với những hệ thống PC cấu hình cao, hầu hết người dùng đều sẽ chọn những bộ tản nhiệt nước hay tản nhiệt khí cao cấp để có được hiệu quả tản nhiệt tốt nhất dành cho CPU cao cấp mà họ sở hữu. Với những bộ máy tính văn phòng và sử dụng các dòng CPU phổ thông, người dùng thường không quan tâm đến việc lựa chọn tản nhiệt cho CPU vì chúng đã được tặng kèm theo sản phẩm.

Tuy vậy, những bộ tản nhiệt khí tặng kèm theo các dòng CPU phổ thông thường được đánh giá không cao về mặt thẩm mỹ cũng như hiệu quả tản nhiệt. Chúng chỉ đủ sức giúp giữ cho nhiệt độ CPU ở mức chấp nhận được khi hoạt động ở mức trung bình, thường tỏ ra hụt hơi nếu CPU hoạt động 100% công suất và trong thời gian liên tục.

Chính vì thế, những bộ tản nhiệt khí của các hãng sản xuất thứ ba được rất nhiều người dùng biết đến như Thermaltake, Coolermaster,... hay những thương hiệu mới như Segotep, Jonsbo hay Excavator,... thường được người dùng tìm mua khi cấn nhu cầu thay tản nhiệt CPU dành cho hệ thống PC của mình.

Bộ khung bắt tản nhiệt với hai kích thước khác nhau dành cho các chuẩn socket của Intel và AMD luôn được tặng kèm.

Để cho được một bộ tản nhiệt khí hợp lý, người dùng trước hết cần nắm được chuẩn socket CPU trên hệ thống PC của mình. Dù hầu hết các bộ tản nhiệt CPU đều hỗ trợ cả hai dòng CPU Intel và AMD nhưng với các dòng CPU sử dụng chuẩn socket mới thì bộ tản nhiệt cũng cần phải hỗ trợ chuẩn socket mới này. Đây cũng chính là lý do người dùng không thể tận dụng các bộ tản nhiệt thế hệ cũ.

Người dùng cần đặc biệt quan tâm đến hai thông số là điện năng tiệu thụ (TDP) và tốc độ quay của quạt. Hai thông số này sẽ cho người dùng biết được là bộ tản nhiệt khí mà mình đã lựa chọn có đủ sức làm mát và giúp cho CPU luôn hoạt động với hiệu suất tốt nhất hay không.

Bên cạnh đó, kiểu dáng thiết kế của khối kim loại dẫn nhiệt cũng là yếu tố cần tham khảo. Thiết kế khối tản nhiệt không chỉ góp phần giúp giải nhiệt CPU một cách nhanh và hiệu quả nhất mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ và khả năng lắp đặt vào thùng máy tính mà bạn sử dụng.

Nếu đang có nhu cầu thay tản nhiệt khí dành cho dòng CPU trung cấp thế hệ cũ hay các dòng CPU phổ thông mới nhất, một trong nhưng bộ tản nhiệt khí mà bạn có thể tham khảo là ICE-G4000 đến từ thương hiệu Excavator. Sản phẩm hiện có giá bán chỉ 380.000 đồng.

Bộ tản nhiệt khí ICE-G4000 khối tản nhiệt kích thước lớn, dạng tháp với các lá nhôm được nối với nhau qua 4 ống dẫn nhiệt đồng đường kính 6mm. Sản phẩm sử dụng 1 quạt đường kính 12cm có tốc độ quay biến thiên từ 800 - 1.800 vòng/phút tùy vào hiệu suất vận hành của CPU. Quạt cũng được tích hợp đèn LED RGB và có cáp đồng bộ hiệu ứng đèn LED với hệ thống bo mạch chủ. Theo thông tin khi trên hộp sản phẩm, bộ tản nhiệt khí này có công suất điện tiêu thụ 135W, tạo ra luồng gió tối đa 52CFM ±10%.

Nhiệt độ CPU AMD Ryzen 5 2600 khi hoạt động với 100% công suất.

Đáng chú ý, nhà sản xuất còn đóng gói kèm theo sản phẩm tuýp keo tản nhiệt ZF-12, hai tấm khăn tẩm cồn. Với hai phụ kiện này, người dùng có thể vệ sinh bề mặt CPU lẫn bền mặt tấm kim loại tiếp xúc CPU và tra keo mới trong quá trình sử dụng.

Thử nghiệm thực tế trên hệ thống PC sử dụng CPU Ryzen 5 2600, tản nhiệt ICE-G4000 luôn giữ nhiệt độ CPU ở mức 42 - 47oC khi vận hành ở mức trung bình với các phần mềm duyệt web Edge, chỉnh sữa ảnh Photoshop, Zalo, Skype,... Khi chơi game CS:GO qua nền tản Steam, nhiệt độ CPU tối đa cũng chỉ ở mức 56%. Trong khi đó, tiến hành ép CPU hoạt động 100% qua tính năng stress CPU trên phần mềm CPU-Z, bộ tản khí này cũng giúp giữ nhiệt độ CPU ở mức khoảng 67oC, nhiệt độ lý tưởng để CPU có hiệu suất tốt nhất.

Tiến Tùng