Intel vẫn tiếp tục làm thất vọng những người dùng trung thành của mình khi liên tục "thất hứa" về việc tạo ra những dòng CPU dành cho PC được sản xuất trên tiến trình 10nm. Từ dòng CPU Intel Core thế hệ thứ 5 (tên mã Broadwell) ra mắt vào năm 2015 cho đến nay với thế hệ 11 (tên mã Comet Lake), Intel vẫn trung thành với tiến trình 14nm.

Tuy vẫn sử dụng tiến trình 14nm, các dòng CPU Intel Core qua các đời vẫn được Intel cải thiện về hiệu suất, nhiệt lượng lẫn điện năng tiêu thụ dựa trên những công nghệ mới đã được hãng phát triển. Và dòng Intel Core thế hệ 11, cụ thể là Intel Core i5-11600K sẽ là một mình chứng rõ nhất trong việc này.

Intel Core i5-11600K được nâng cấp những gì?

Nếu nhìn sơ lượt bảng thông tin kỹ thuật, hai dòng CPU Intel Core i5-11600K mới ra mắt dường như không có gì khác biệt so với thế hệ trước Intel Core i5-10600K. Cả hai đều được sản xuất trên tiến trình 14nm, thiết kế với 6 nhân 12 luồng xử lý dữ liệu, đều có bộ nhớ đệm Intel Smart Cache 12MB và đều có mức điện năng tiêu thụ TDP 125 W.

CPU Intel Core i5-11600K có mức xung mặc định 3,9GHz và xung Turbo đơn nhân 4,9GHz, không quá khác biệt so với thế hệ trước. Tuy nhiên, CPU mới này có khả năng đẩy xung hoạt động all-core ở mức 4,6GHz.

CPU Intel Core i5-11600K vẫn được sản xuất trên tiến trình 14nm.

Ngoài ra, nhân đồ họa tích hợp bên trong CPU Intel Core i5 thế hệ 11 cũng đã được Intel cải thiện hơn so với thế hệ trước. Theo thông tin từ Intel, nhân đồ họa Intel UHD Graphics 750 được sản xuất dựa trên kiến trúc Intel Iris Xe mang lại hiệu suất xử lý đồ họa và chơi game tốt hơn so với Intel UHD 630.

Nâng cấp rõ nhất trên dòng CPU Intel Core i5-11600K chính là băng thông giao tiếp giữa CPU và chipset đã được mở lên đến 20 làn PCIe cũng như hỗ trợ giao thức PCIe 4.0 mới nhất. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người dùng Intel đã có thể tận hưởng được lợi ích từ tốc độ truy suất dữ liệu cực nhanh trên các dòng ổ cứng SSD M.2 PCIe 4.0 khi xây dựng hệ thống PC trên nền tảng bọ mạch chủ chipste Intel 500 và dòng CPU Intel Core thế hệ 11.

Dù vậy, Intel đã tích hợp nhiều công nghệ mới giúp cả thiện hiệu suất tính toán IPC lên đến 19% và hiệu năng xử lý đồ họa của nhân đồ họa tích hợp mạnh hơn đến 50% so với thế hệ trước.

Ngoài ra, CPU Intel Core i5-11600K cũng hỗ trợ bộ nhớ RAM DDR4 có xung hoạt động 3.200MHz, hỗ trợ các tác vụ AI và ảo hóa tốt hơn khi được tích hợp thêm tập lệnh Intel Advanced Vector Extensions 512 (Intel AVX-512) và công nghệ Gaussian Neural Accelerator 2.0 (GNA 2.0).

Cấu hình thử nghiệm

Thế Giới Số đã có những trải nghiệm và đánh giá hiệu năng thật tế của CPU Intel Core i5-11600K trên hệ thống PC được xây dựng với bo mạch chủ ASUS ROG Maximus XIII Hero, VGA COLORUL iGame Geforce RTX 3070 Ultra OC-V, 16GB RAM ADATA XPG DDR4 3200MHz chạy ở chế độ kênh đôi, ổ cứng SSD M.2 PCIe 3.0 Kingston A2000 1TB. Cấp nguồn cho hệ thống PC này hoạt động là bộ nguồn Thermaltake ToughPower GX1 600W và sử dụng tản nhiệt CPU Thermaltake Flexi.

Các thành phần linh kiện máy tính sử dụng để đánh giá hiệu năng CPU Intel Core i5-11600K.

Trong đó, bo mạch chủ (bmc) ASUS ROG Maximus XIII Hero là một trong bốn phiên bản thuộc dòng bo mạch chủ cao cấp của thương hiệu ASUS được sản xuất trên nền tảng chipset Intel Z590.

Không chỉ có thiết kế ấn tượng, dòng bo mạch chủ này còn được thiết kế hệ thống cấp điện nguồn cho CPU theo kết cấu 14+2 có điện áp lên đến 90Ampe. Kết hợp cùng trang bị đến đầu nối nguồn ProCool II 8 chân, cuộn cảm hợp kim MicroFine và tụ điện kim loại đen 10K do Nhật Bản sản xuất, bo mạch chủ này sẽ phát huy tối đa hiệu suất vận hành cũng như hỗ trợ tốt nhất cho việc ép xung CPU.

Bo mạch chủ ASUS ROG Maxiums XIII Hero.

Ngoài ra, bo mạch chủ còn được trang bị đến 4 khe PCIe M.2 dành cho các ổ cứng SSD M.2 trong đó có hai khe hỗ trợ giao thức PCIe 4.0 mới nhất. Được tích hợp chip âm thanh chất lượng cao ROG SupremeFX ALC4082 với bộ giải mã âm thanh ESS ES9018Q2C DAC, chip mạng WiFi 6E (802.11ax) và hai cổng mạng LAN Intel 2,5Gb có hỗ trợ công nghệ ASUS LANGaurd.

Màn hình gaming ViewSonic XG2705 có tần số quét 144Hz.

Màn hình được sử dụng trong quá trình thử nghiệm và đánh giá CPU Intel Core i5-11600K là màn hình chuyên game ViewSonic XG2705. Màn hình được sử dụng tấm nền IPS 27inch có độ phân giải hiển thị Full HD và tần số quét 144Hz. Màn hình hiển thị hình ảnh với không gian màu 8bit (6bit + Hi-FFRC), hiển thị 72% gam màu NTSC, 104% sRGB và độ sáng 250nit. Ngoài ra, màn hình gaming này còn được tích hợp hệ thống loa 4W và được cài đặt sẳn 9 chế độ hiển thị trong đó có 3 chế độ hiển thị cho 3 thể loại game là FPS, RTS và MOBA.

Hiệu năng thực tế

Thế Giới Số đã sử dụng các phần mềm CineBench R23 mới nhất, PCMark 10 và 3DMark để đánh giá hiệu năng hoạt động của hệ thống PC sử dụng CPU Intel Core i5-11600K vận hành trên hệ điều hành Windows 10 Home. Hệ thống được đánh giá ở cả hai trường hợp sử dụng VGA COLORUL iGame Geforce RTX 3070 Ultra OC-V và sử dụng nhân đồ họa tích hợp Intel UHD Graphics 750.

Điểm hiệu năng CPU Intel Core i5-11600K trên phần mềm CineBench R23.

Phần mềm CineBench R23 chỉ đánh giá hiệu suất tính toán của CPU nên không có sự khác biệt giữa hệ thống sử dụng VGA rời hoặc nhân đồ họa tích hợp. Và CPU Intel Core i5 đã đạt 1.535 điểm ở hiệu suất đơn nhân và 10.547 điểm ở xử lý đa nhân.

Điểm hiệu năng của hệ thống PC sử dụng CPU Intel Core i5-11600K với VGA Geforce RTX 3070.
Điểm hệ thống với nhân đồ họa tích hợp Intel UHD Graphics 750.

Trong khi đó, phần mềm PCMark 10 sẽ đánh giá hiệu năng tổng thể của toàn bộ hệ thống PC và điểm số tổng sẽ có những ảnh hưởng rõ rệt giữa hệ thống sử dụng VGA và hệ thống chỉ sử dụng nhân đồ họa tích hợp. Điểm số tổng của hệ thống thử nghiệm sử dụng nhân đồ họa tích hợp chỉ đạt 5.041 điểm. Khi trang bị thêm VGA Geforce RTX 3070, điểm hiệu năng tổng của hệ thống đạt đến 7.284 điểm, được xếp vào nhóm hệ thống PC có hiệu suất chơi game cao nhất.

 

Điểm hiệu năng của nhân đồ họa tích hợpIntel UHD Graphics 750 đạt được trên phần mềm 3DMark.

Và phần mềm 3DMark được Thế Giới Số sử dụng để đánh giá hiệu suất xử lý đồ họa của nhân đồ họa tích hợp. Hiệu suất hoạt động của nhân đồ họa Intel UHD Graphics 750 được phần mềm 3DMark "chấm" 773 điểm với đánh giá có thể chơi được tựa game BatteField IV và Apex Legends ở độ phân giải 1440p với tốc độ lần lượt dưới 20FPS dưới 30FPS.

Thế Giới Số cũng đã thử chơi vài ván đầu DoTA 2 với thiết lập đồ họa ở mức cao. Hệ thống PC với CPU Intel Core i5-11600K không sử dụng VGA rời đủ sức giúp Thế Giới Số trải qua những trận đấu kịch tính khá mượt với tốc độ khung hình luôn ổn định quanh mức 30 - 40FPS.

Thử nghiệm ép xung

Ép xung để có được hiệu suất hoạt động tốt hơn cho toàn bộ hệ thống PC là việc mà không ít những người dùng dành công nghệ sử dụng. Để việc ép xung mang lại hiệu quả cao nhất, bên cạnh lựa chọn bo mạch chủ thích hợp, một bộ nguồn chất lượng cao và một hệ thống tản nhiệt chất lỏng dành cho CPU là điều mà bất cứ ai khi muốn ép xung CPU cũng đều nghĩ đến.

Nhận dịp thử nghiệm CPU Intel CPU Intel Core i5-11600K với bo mạch chủ ASUS ROG Maximus XIII Hero, Thế Giới Số cũng thử nghiệm các tính năng ép xung mà bo mạch chủ này hỗ trợ.

Giao diện BIOS của bo mạch chủ ASUS ROG Maxiumus XIII Hero.

Có thể nói rằng, để có thể sử dụng thuần thục cũng như tinh chỉnh các thông số để ép CPU lẫn bộ nhớ RAM trên bo mạch chủ này cần phải có nhiều thời gian để tìm hiệu và thử nghiệm. Bo mạch chủ ASUS ROG Maximus XIII Hero cung cấp rất nhiều thông số để người dùng tinh chỉnh và nhất là các thông số về RAM.

Tuy nhiên, một ưu điểm nổi bật của bmc ASUS ROG Maximus XIII Hero là được tích hợp thêm AI Overlocking. Khi kích hoạt tính năng này, bmc chủ sẽ dựa vào theo quen sử dụng, các thành phần linh kiện máy tính được sử dụng để từ đó thiết lập các thông số CPU và RAM để có được hiệu suất tốt nhất.

Không chỉ hỗ trợ những người dùng ép xung chuyên nghiệp, bo mạch chủ này còn hỗ trợ người dùng phổ thông trong việc tăng tốc hiệu suất hoạt động của hệ thống.

Nếu đọc các thông tin ở mục Main trong trình duyệt BIOS, người dùng sẽ thấy được thông tin SP ở phần Prediction đi kèm là hai con số. Đây là chỉ số đánh giá khả năng ép xung của hệ thống PC. Với hệ thống mà Thế Giới Số sử dụng, chỉ số SP chỉ ở mức 53, đồng nghĩa với việc sẽ khó đạt hiệu quả tốt nhất khi ép xung.

Điều này cũng được minh chứng qua các điểm số PCMark 10 và CineBench R23 cũng không cải thiện được nhiều khi kích hoạt AI Overclocking.

Điểm hiệu năng của CPU Intel Core i5-11600K sau khi kích hoạt chế độ ép xung AI Overlocking.
Điểm hệ thống với VGA Geforce RTX 3070 sau khi kích hoạt ép xung AI Overlocking.
Điểm hệ thống với nhân đồ họa tích hợp trên CPU Intel Core i5-11600K sau khi kích hoạt ép xung AI Overlocking.

Sau khi kích hoạt tính năng này, người dùng sẽ nhìn thấy dòng chữ đã ép xung lên 25% ngay khi khởi động máy tính. Tuy nhiên, điểm số CineBench R23 không cải thiện đáng kể khi chỉ đạt được 10.635 ở xử lý đa nhân và còn bị giảm vài điểm ở xử lý đơn nhân với 1.531 điểm.

Điểm hiệu năng tổng thế trên phần mềm PCMark 10 cũng chỉ tăng thêm 100 điểm cả khi sử dụng VGA rời Geforce RTX 3070 lẫn nhân đồ họa tích hợp Intel UHD Graphics 750.

Tổng quan

Có thể thấy rằng, CPU Intel Core i5-11600K với bo mạch chủ chipset Intel Z590, bộ nhớ RAM DDR4 có xung hoạt động 3.200Hz cùng ổ cứng SSD M.2 PCIe 4.0 đủ sức giúp người dùng giải quyết các công việc thường nhật với các ứng dụng văn phòng, chỉnh sử hình ảnh và dựng phim cơ bản với bộ ứng dụng của Adobe cũng như giải trí với các tựa game eSport. Nếu muốn chơi các tựa game đồ họa nặng, người dùng chỉ cần lựa chọn thêm cho hệ thống PC một card đồ họa thích hợp với nhu cầu sử dụng và túi tiền của mình.

Nguồn: Thế Giới Số