Sáng nay, xuất hiện trong buổi gặp mặt truyền thông sau khi nhận giải thưởng VinFuture, Giáo sư Vinton Gray Cerf rất vui vẻ và hài hước. Khi cần dịch chuyển chiếc bàn tại phòng họp, giáo sư người Mỹ nhất quyết 'được góp một tay'. Lúc Ban Tổ chức đề nghị để người khác hỗ trợ, vị giáo sư 79 tuổi nói: 'Sức khỏe của tôi tốt, tôi làm việc đó ổn mà!'.
Giáo sư Vinton Gray Cerf là một trong năm đồng chủ nhân của giải thưởng lớn VinFuture mùa 2. Điểm đặc biệt là việc ông được trao giải thưởng xuất phát từ việc Giáo sư Vinton viết thư gửi đề cử cho người bạn của mình – Giáo sư Sir David Neil Payne, Đại học Southampton, với phát minh về Bộ khuếch đại sợi quang pha tạp Erbium (EFDA).
Phát minh này giúp việc dẫn truyền Internet với tốc độ ổn định trở nên khả thi trên phạm vi toàn thế giới nhờ thiết kế sợi quang, bộ khuếch đại quang học, sợi chuyên dụng, bộ laser và khuếch đại công suất cao.
Tuy nhiên, sau khi đề cử cho người bạn ở nước Anh xa xôi, chính ông lại nhận được thư của VinFuture thông báo việc được nhận giải thưởng. Giáo sư Mỹ được mệnh danh là "cha đẻ của Internet" còn vui hơn nữa khi biết rằng những nhà khoa học đồng nhận giải thưởng lớn VinFuture đều là những người bạn của mình và cùng có công lớn trong việc tạo ra công nghệ mạng kết nốt toàn cầu.
Tối 20/12, phát biểu tại lễ trao giải, ngoài việc cảm ơn 2 nhà sáng lập giải thưởng VinFuture, Giáo sư Vinton Gray Cerf gửi lời cảm ơn tới "người đặc biệt": "Tôi xin gửi lời cảm ơn tới người vợ đã 56 năm đồng hành với tôi, và tin chúng tôi sẽ tiếp tục công việc tuyệt vời này cùng nhau".
Giáo sư Vinton và vợ cùng gặp vấn đề về thính giác. Năm 13 tuổi, ông bắt đầu đeo máy trợ thính để có thể nghe được rõ ràng hơn. Tuy nhiên, vợ của ông lại bị mất hoàn toàn thính giác từ năm 3 tuổi và không thể nghe được trong hàng chục năm. Khi hai người cưới nhau, vợ chồng Giáo sư Vinton nói chuyện với nhau qua ngôn ngữ ký hiệu. Tuy nhiên, trải qua 2 lần phẫu thuật, người vợ đã có thể nghe được bình thường kể từ năm 2006.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, người bạn Giáo sư Vinton từ Đại học Southamption (Anh) đến Việt Nam nhận giải thưởng - Giáo sư Sir David Neil Payne cũng gửi lời cảm ơn tới "người đặc biệt" của mình: "Tôi gửi lời cảm ơn tới Quỹ VinFuture, trường đại học mà tôi đang giảng dạy - nơi giúp tôi phát triển hơn 60 năm qua. Tôi cũng gửi lời cảm ơn đặc biệt tới người vợ của tôi. Cô ấy đã phải chịu đựng nhiều điều để giúp tôi thành công trong nhiều năm rồi…".
- Khi nhận giải thưởng VinFuture, ông đã nói lời cảm ơn người vợ đã đồng hành và hỗ trợ mình 56 năm qua. Ông có thể nói cụ thể hơn là vợ ông có vai trò như thế nào trong việc giúp ông tạo ra phát minh đặt nền tảng cho Internet ngày nay?
- Giáo sư Vinton Gray Cerf: Trong suốt quá trình nghiên cứu, vợ tôi là người quán xuyến mọi công việc gia đình như chăm sóc con cái, chuẩn bị bữa ăn hay đồ đạc mỗi lần tôi phải đi công tác. Nói một cách đơn giản, vợ tôi đã làm mọi thứ để tôi có thể tập trung vào việc nghiên cứu công nghệ mạng toàn cầu. Thực tế, cô ấy là một tình nguyện viên đặc biệt trong việc phát minh ra Internet.
Khi mọi người nói OK, bạn là một trong những "cha đẻ" của Internet. Vậy ai là "mẹ đẻ" của Internet? Câu trả lời là: Đó là vợ tôi và vợ của nhiều kỹ sư, nhà khoa học khác đã làm cho điều này xảy ra.
- Ông cũng là một trong số những nhà khoa học đóng góp quan trọng vào việc phát minh ra Internet nhưng không ứng cử mà lại gửi đề cử cho người bạn của mình ở nước Anh (Giáo sư Sir David Neil Payne, Đại học Southampton) tới Hội đồng giải thưởng VinFuture. Vì sao vậy?
- Giáo sư Vinton Gray Cerf: Đơn giản vì ông ấy xứng đáng được mọi người biết đến và công nhận. Tôi nghĩ rằng, những người có công đóng góp cho xã hội nên được công nhận về những gì họ đã làm, và bạn tôi đã làm một số việc thực sự tốt. Đối với bản thân tôi, việc này vô cùng quan trọng nên nên tôi đã đề cử ông ấy.
Để công nghệ mạng toàn cầu có được thành công như ngày hôm nay là kết quả không phải của một cá nhân nào cả mà là công sức của nhiều người. Vì vậy, tôi quan niệm việc bản thân họ và những công trình nghiên cứu đóng góp cho xã hội của họ được mọi người biết đến rộng rãi là điều vô cùng quan trọng. Tôi rất vui khi có thể là một phần trong đó (cười).
- Khi gửi cho Hội đồng giải thưởng VinFuture đề cử một phát minh đã từ rất lâu và cũng đã được vinh danh không ít lần, ông có suy nghĩ gì?
- Giáo sư Vinton Gray Cerf: Chúng ta có thể thấy rất rõ rằng phát minh về công nghệ mạng toàn cầu đã tạo ra rất nhiều công nghệ mới, các giải pháp mới cho nên tôi cảm thấy rất vui mừng khi chứng kiến phát minh này phát triển.
Những người đã xây dựng và phát triển mạng cáp quang tốc độ cao giúp cho chúng ta có thể thực hiện nhiều ứng dụng truyền phát video và âm thanh hơn, điển hình như các video streaming. 50 năm trước chúng ta không thể làm được những điều như vậy nhưng bây giờ thì có thể.
Câu hỏi đặt ra bây giờ là: "Sau Internet sẽ là gì?". Theo tôi, chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều thiết bị, ứng dụng có thể lập trình được. Những sản phẩm này có thể làm mọi việc thay cho con người bởi phần mềm chỉ cần khởi động là nó sẽ tự thực hiện đúng chức năng của nó.
Tuy nhiên, nếu phụ thuộc quá nhiều vào những ứng dụng đó như việc chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào smartphone thì sẽ có vấn đề. Giống như kiểu chúng ta đang cầm smartphone ngay lúc này và cần nó hoạt động thì lại có trục trặc… Vì vậy, chúng ta phải xây dựng một hệ thống linh hoạt hơn, để không quá phụ thuộc vào một công nghệ nào đó đến nỗi khi nó không hoạt động thì tất cả những thứ khác như kinh tế, xã đều gặp vấn đề.
Cá nhân tôi rất vui mừng về những gì đang xảy ra trong phát triển công nghệ sử dụng trong không gian. Bởi vì bạn thấy đấy, các tên lửa của SpaceX đang được phóng và tần suất phóng đang ngày càng tăng với tỷ lệ thành công cao. Cách đây 50 năm, khi chúng ta bắt đầu di chuyển ra khỏi hành tinh, chúng ta đã hạ cánh trên mặt trăng và sau đó chúng ta không quay trở lại.
Hiện nay, chúng ta không chỉ quay trở về an toàn từ mặt trăng mà còn đang khám phá cả sao Hỏa và các hành tinh khác. Hơn 25 năm trước, tôi đã bắt đầu làm việc với NASA tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực cùng một nhóm kỹ sư để thiết kế một mạng lưới chạy khắp hệ mặt trời, và Internet liên hành tinh đang phát triển tốt vào thời điểm này. Chúng tôi đang ở giai đoạn đầu triển khai, còn phần sau thì như chương 2 của một câu chuyện khoa học viễn tưởng vậy, và tôi đã quá già để đợi được nó (cười).
Thế nhưng, ít nhất tôi có thể viết được thêm vài trang thú vị của câu chuyện này. Mọi chuyện rất phức tạp, không phải chỉ về mặt kỹ thuật mà còn liên quan đến các quan điểm chính trị, các chính sách liên quan.
- Internet đã thay đổi toàn thế giới. Theo ông, sau Internet, sáng chế nào sẽ thay đổi thế giới?
- Giáo sư Vinton Gray Cerf: Các bạn đã nghe về một trong số các sáng chế đó trong những ngày vừa qua và sáng nay với phát minh được nhận giải thưởng VinFuture. Ví dụ: cá nhân hoá chăm sóc sức khoẻ và thuốc, về khả năng để thay đổi cấu trúc tế bào để bảo vệ cơ thể của bạn khỏi ung thư và các loại bênh khác.
Tôi cũng xin nói thêm là phát minh về năng lực sử dụng sức mạnh tính toán để hiểu được cách vận hành của thế giới sẽ trở nên cực kỳ quan trọng. Các nhà vật lý hiện tại chia sẻ rằng họ mới hiểu được 5% về vũ trụ. Họ chưa biết vật chất tối và năng lượng tối là gì. Nếu bạn muốn thắng giải Nobel, bạn nên nghiên cứu về thiên văn học vì chúng ta chưa biết gì nhiều về nó cả.
- Giáo sư Sir David Neil Payne: Một điều có thể chắc chắn, Internet sẽ tiếp tục là một phần của khám phá vĩ đại tiếp theo. Nhưng tôi muốn nói thêm về khả năng lưu trữ dữ liệu lượng tử. Làm sao chúng ta có thể lưu trữ tất cả những dữ liệu sẽ được sinh ra từ cách giao dịch ngân hàng, hình ảnh bạn chụp… Tôi nghĩ khám phá vĩ đại tiếp theo sẽ liên quan đến việc lưu trữ dữ liệu cực kỳ lớn trong kỷ nguyên này.
- Toàn cầu hoá tạo ra tranh cãi khi người giàu ngày càng giàu hơn và Internet cũng được coi là nguyên nhân giúp cho kẻ mạnh thống trị một không gian không có biên giới. Ông nghĩ gì về điều đó?
- Giáo sư Vinton Gray Cerf: Có một sự thật là trong thời kỳ thương mại điện tử bùng nổ, các doanh nghiệp thành công sẽ ngày càng thành công hơn nữa. Nhưng cũng có một số công ty đột ngột xuất hiện, trở nên khổng lồ nhưng rồi chỉ một thời gian sau lại biến mất.
Ví dụ như Digital Equipment Corporation từng là doanh nghiệp công nghệ có tiếng nhưng giờ cái tên này đã hoàn toàn biến mất. Hay Yahoo giờ đây chỉ còn là dĩ vãng. Một số công ty lớn có thể rất thành công nhưng họ sẽ bị lung lay và trở nên yếu đuối nếu không kịp thích nghi với sự thay đổi.
Vì vậy, tôi tin rằng vẫn còn rất nhiều dư địa với Internet, cho những bất ngờ mới, những bài học thành công mới đến từ các quốc gia dù là lớn hay nhỏ trên thế giới. Điều quan trọng là đừng cho rằng chỉ vì bạn ở một quốc gia nhỏ mà bạn không có cơ hội thành công. Chỉ cần nơi đó có nhiều tài năng thôi.
Ví dụ như VinUni ở Việt Nam là nơi chúng tôi hy vọng những tài năng đó sẽ xuất hiện. Vẫn còn nhiều dư địa cho những ý tưởng mới phát triển và đến từ khắp nơi trên thế giới bao gồm cả Việt Nam.
- Cùng với sự phát triển của Internet thì các nước nghèo hay những người yếu thế có thể giảm bớt khoảng cách với những nước phát triển và những người giàu hay khoảng cách này có khả năng ngày càng gia tăng?
- Giáo sư Vinton Gray Cerf: Thật ra thì khoảng cách này sẽ ngày càng bị thu hẹp. Lý do là chi phí cho việc kết nối Internet ngày càng rẻ nên theo thời gian, số lượng người có thể tiếp cận được với các thiết bị có khả năng truy cập Internet như máy tính hay điện thoại di động ngày một nhiều hơn.
- Trước khi đến Việt Nam, ông có tìm hiểu về sự phát triển của Internet Việt Nam hay không?
- Giáo sư Vinton Gray Cerf: Trước khi đến đây, tôi không biết quá nhiều về Internet ở Việt Nam. Những gì tôi biết phần nhiều đến từ những câu chuyện của một vài đồng nghiệp có cơ hội sang Việt Nam ngay từ những giai đoạn đầu phát triển Internet.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng giống như nhiều nơi khác. Câu chuyện về Internet thường bắt đầu từ sách vở, trong những chương trình mang tính học thuật. Những sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học đã áp dụng những kiến thức và kinh nghiệm của bản thân về Internet để thành lập các công ty mới và cứ thế phát triển...
Tôi đã theo dõi rất nhiều câu chuyện về quá trình phát triển Internet ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Mỗi quốc gia sẽ có một câu chuyện riêng và tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ có người viết lại câu chuyện Internet ở Việt Nam.
- Với nền kinh tế Internet, Việt Nam có thể gặp rủi ro nào?
- Giáo sư Vinton Gray Cerf: Rủi ro sẽ luôn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau. Đầu tiên, khi bạn trực tuyến trên Internet, nó giống như băng qua đường trong thành phố và điều này đúng không chỉ ở Hà Nội, mà ở mọi nơi trên thế giới.
Khi bạn băng qua một đường phố đông người và xe cộ, bạn phải cẩn thận để không bị tai nạn. Hay nói cách khác, trong thế giới Internet, bạn cũng phải học cách tự bảo vệ mình. Và chúng ta cần giúp mọi người học cách làm điều đó, cung cấp cho họ công cụ. Trên Internet, người cư xử không tốt cũng phải chịu trách nhiệm, giống như việc bạn lái xe không ổn thì sẽ bị tước bằng lái.
Trong nền kinh tế Internet hay bất cứ nền kinh tế nào khác đều luôn có rủi ro, nhưng rủi ro có thể kiểm soát được và đó là phần quan trọng.
Bài: Quỳnh Anh - Ngọc Anh - Hoàng Ly
Ảnh : Việt Hùng
Thiết kế: Hương Xuân
Nguồn: CafeF