Flappy Bird đã được tác giả gỡ xuống. Trước đó, nhiều người coi thành công của game này chỉ là ăn may, và ai cũng tập trung vào câu chuyện kiếm được 50.000 USD/ngày.

    Còn khi gỡ thì rất nhiều người nhao nhao thương xót, rồi có mấy bạn thì chê là không có tinh thần chiến binh… Điều đó chỉ nói lên một điều, họ không phải là dân công nghệ thực sự, còn nói theo cách của dân Mỹ hay phân biệt thì đó là cách nghĩ của tụi phố Wall mà đầu óc chỉ nghĩ đến IPO cả ngày chứ không phải dân Silicon Valley.

    1. Thành công của Nguyễn Hà Đông là may mắn?

    Đương nhiên, nhưng tuyệt đối không có nghĩa là ăn may. Chưa nói đến chuyên môn hay trình độ, năm nay Nguyễn Hà Đông đã 29 tuổi, vậy tối thiểu là sự may mắn này chỉ đến sau một quá trình dài lì lợm đi con đường riêng của mình.

    Ảnh
    Flappy Bird đã được người viết gỡ xuống từ rạng sáng hôm qua.

    Vì đam mê, và đối mặt với rất nhiều áp lực có tên và không tên mà chúng ta sẽ không biết, ví như bạn bè yên ổn, lương cao, thành đạt (29 tuổi rồi), ví như bố mẹ, gia đình không tin tưởng, tỉ như mỗi bữa ăn lại có một phụ huynh thở dài kêu mày cứ lêu têu không nghề ngỗng... Rõ ràng, Đông đã kiên định theo đuổi cái mình thích và tin nó là yếu tố sẵn sàng cho may mắn đến. Hơn nữa sự kiên định tự nó cũng nói lên một phần kiến thức chuyên sâu nào đó rồi, vì không có nó thì không có sự đam mê hay lòng kiên định.

    2. Tinh thần chiến binh?

    Có thể Nguyễn Hà Đông đúng là không chịu nổi áp lực, có thể là cái gì khác, tôi không biết, vì tôi chả có thông tin gì cả và cũng chưa tìm hiểu. Nhưng chỉ đơn giản một điều, nếu đúng là Đông không có "tinh thần chiến binh" trong câu chuyện này thì đơn giản đó không phải là cuộc chiến của anh. Người ta chỉ nhìn vào việc gỡ trò chơi mà quên mất sự kiên định trong việc làm game (tự do) đến năm 29 tuổi (và sẽ tiếp tục làm). Mỗi người phải chọn cuộc chiến của mình và đặt sự kiên định, lòng quyết tâm của mình vào cuộc chiến đó. Không có mũi giáo trỏ khắp nơi.

    3. Thành công của Đông có lợi gì cho Việt Nam?

    Có chứ. Đầu tiên là với những người làm game nói riêng và những người làm công nghệ nói chung, thành công luôn tạo cảm hứng, tạo sức sống mới khi mà cả giới làm công nghệ Việt Nam đã mệt mỏi với những nếp cũ và tự mình bắt đầu rơi vào sự ì ạch. Vậy là quý rồi. Và thành công này có thể là cảm hứng cho thành công khác, khi mà ở đâu đó có một ai đó đột nhiên bừng tỉnh. Và nếu cứ lâu lâu chúng ta lại có một thành công như vậy, thì cảm hứng liên tục được nuôi dưỡng, thì cả ngành sẽ tiến lên thôi.

    4. Các startup của Việt Nam nói nhiều quá

    Một bài học có ích nữa có lẽ nên rút ra là chúng ta sẽ nhìn thấy các startup của Việt Nam nói nhiều quá. Hết seminar này đến Vcamp nọ, đến các buổi tiệc cà phê, diễn đàn chia sẻ. Thế thì làm gì còn thời giờ mà làm việc nữa, còn thời giờ đâu mà say sưa nữa. Chúng ta bỏ quên mất sự cặm cụi và đánh giá đúng mức với chuyên môn sâu. Cuối cùng thành ra cứ gọi là làm công nghệ nhưng chúng ta chẳng nằm trong cùng một ngành công nghiệp với Silicon Valley như chúng ta "tự sướng".

    Thay vì những gã đầu bù tóc rối vùi mình vào một góc để nghiên cứu những thứ "quái gở và vô dụng" với thị trường, giới công nghệ chúng ta đẻ ra một đống các diễn giả say sưa nói về cảm hứng, thành công, kĩ năng bán được cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, và nhiều nhất là nói về tinh thần khởi nghiệp - đều là những thứ rất hay và rất cần thiết.

    Cái duy nhất chúng ta không thấy nói là Công nghệ! 

    Theo Zing